|
Cô Mai Thị Nga - người đứng bìa trái phát bằng khen cho các trường. |
Nói đến phụ nữ Việt Nam là nói đến tấm lòng nhân ái, thủy chung, bao dung, độ lượng, hết mực vì chồng con. Nói đến cô Mai Thị Nga, mọi người thường nhắc nhiều việc cô chăm sóc mẹ chồng và giáo dục học sinh.
Là con út trong một gia đình có năm chị em, cha mất khi cô mới tròn bốn tháng tuổi, được sự chở che của mẹ, tuổi thơ cô trôi qua êm đềm như dòng nước chảy xuôi. Quê tôi hồi ấy gia đình nào cũng rất quý đứa út, chính vì quan niệm này mà cô gặp rất nhiều khó khăn trong tuổi học trò.
Cô bùi ngùi nhớ lại, hồi ấy quê hương còn chìm trong biển máu, bọn giặc kéo về quận Hương Mỹ mấy khẩu pháo hạng nặng để tăng cường sự bắn phá các xã lân cận, trong đó có Cẩm Sơn. Người dân bị pháo dập chết xảy ra như cơm bữa, có em bé ngồi ăn, bị pháo dập chết mà chưa kịp nuốt được miếng cơm đang nhai trong miệng; có chị mang bầu gần sanh bị trúng đạn ngã xuống, đứa con trong bụng chòi đạp mấy phút sau mới chết… Chứng kiến cảnh chết chóc, mẹ nhất định không cho cô đi học. Ngồi nhìn các bạn cùng lứa tuổi cắp sách đến trường, cô thèm khát đến nôn nao. Cô đập con heo đất của mình mua sách vở, dụng cụ học tập để đến trường. Mỗi khi đi học, cô đều giấu mẹ, sách vở cô nhờ người bạn cùng lớp cất dùm. Một hôm bạn học bị bệnh phải về trước, không ai giữ vở dùm, cô đem về nhà bị mẹ đốt hết. Cô khóc nhiều lắm! Thấy cô đi học không sách vở, chỉ nghe thầy giáo giảng bài, một người hàng xóm mướn cô làm cỏ để có tiền mua sách vở. Mẹ lại đốt sách vở lần thứ hai! Cô xin mẹ cho đi học, theo cô “Thà chết làm con ma biết chữ chứ không thể sống làm người dốt”. Trước sự cương quyết ấy, mẹ phải chấp thuận và mua sách vở, dụng cụ học tập cho cô. Từ đó, cô chính thức được cắp sách đến trường. Học hết lớp ở trường trong vùng giải phóng, cô ở nhà giúp mẹ để anh chị đi kháng chiến chống quân thù. Bọn Mỹ ngụy bình định Cẩm Sơn, cô tham gia dạy học được ba năm thì có chồng, ở nhà chăm sóc mẹ để chồng an tâm đánh giặc. Sau khi hòa bình lập lại, cô vừa đi dạy vừa học thêm đến hết lớp 12. Tuy khó khăn, vất vả nhưng cô phấn đấu nhiều năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cô được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Học trò của cô có nhiều người thành đạt, địa vị cao trong xã hội. Đặc biệt, có gia đình ba thế hệ là học trò của cô.
Nhiều năm là cán bộ Công đoàn Trường Tiểu học Cẩm Sơn 1, hết mực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên, cô được mọi người tin yêu, quý mến. Dù bận công việc ở trường nhưng không bao giờ cô quên lãng việc nhà. Lúc con còn nhỏ, cô chăm sóc rất chu đáo, không để các con thua kém bạn bè. Ngoài giờ lên lớp, cô phải đi thu mua cơm dừa sấy rồi chở đi Thị xã (nay là thành phố Bến Tre) bán kiếm tiền lo cho con ăn học. Ngày tháng qua đi, hai đứa lớn vào đại học, đó là niềm an ủi lớn nhất đối với cô. Ngoài ra, cô còn ân cần chăm sóc mẹ chồng từng miếng ăn, giấc ngủ. Chưa bao giờ cô làm cho mẹ buồn. Những khi trái gió trở trời, mẹ không được khỏe, cô túc trực bên giường mẹ.
Năm 2005, cô được nghỉ hưu. Tôi cứ tưởng rằng cô sẽ an phận ở nhà để thực hiện hai nhiệm vụ cao cả là chăm sóc mẹ chồng ngoài tám mươi tuổi và trông nom hai đứa cháu nội, để con dâu an tâm công tác, nhưng không, cô còn tham gia vào các hoạt động ở địa phương (Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Cẩm Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dưỡng sinh ấp Thanh Sơn, kỹ thuật viên câu lạc bộ dưỡng sinh huyện Mỏ Cày Nam). Thành tích của cô được thể hiện qua nhiều giấy khen, bằng khen, đặc biệt là Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Công đoàn.
Trước khi chia tay, cô ân cần gởi gắm: “Quê hương ta còn nghèo, học sinh của xã vào đại học còn ít. Cô mong giáo viên nhiệt tình trong giảng dạy, vượt mọi khó khăn để giáo dục các em trở thành những người con có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu, thêm đẹp”. Cũng là giáo viên nên tôi rất thấu hiểu tâm sự của cô.