Sự cần thiết của muối I-ốt đối với cơ thể

14/12/2020 - 06:54

BDK - I-ốt là vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, góp phần quan trọng vào quá trình hình thành, phát triển và duy trì các hoạt động của con người. Cơ thể bị thiếu hụt I-ốt dễ bị bướu cổ, thường xuyên mệt mỏi, làm giảm tư duy sáng tạo, giảm khả năng học tập và làm cho năng suất lao động kém đi. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết tác dụng của I-ốt và biết cách sử dụng, bổ sung I-ốt hiệu quả.

Muối I-ốt là một vi chất quan trọng có ích cho sức khỏe, giúp ngăn ngừa nhiều bệnh tật. Ảnh Internet

Muối I-ốt là một vi chất quan trọng có ích cho sức khỏe, giúp ngăn ngừa nhiều bệnh tật. Ảnh Internet

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thiếu I-ốt cho dù là thể nhẹ, cũng lấy mất của mỗi trẻ 13,5 điểm IQ, làm giảm năng lực học tập và trí tuệ của các em... Cũng theo WHO, trên toàn thế giới từ năm 1993 - 2003, có 707,7 triệu trẻ em từ 6 - 12 tuổi bị bướu cổ trên tổng số 848 triệu em, chiếm 83,5% tổng số trẻ em từ 6 - 12 tuổi. Trong đó, Việt Nam nằm trong khu vực thiếu I-ốt có tỷ lệ rất cao, chiếm 95,7%.

Mặt khác, theo số liệu điều tra, gần 47% học sinh hoàn toàn không hiểu biết gì về lợi ích của chất này. Một số gia đình không có thói quen sử dụng muối I-ốt trong bữa ăn hàng ngày. Theo các cuộc khảo sát ngành chức năng, hiện nay có 90% các bậc cha mẹ hiểu rõ tác dụng của muối I-ốt nhưng chưa thực sự quan tâm. Cùng với đó, cuộc sống bận rộn khiến các gia đình ít khi đủ mặt trong 3 bữa ăn chính. Vì vậy, lượng muối I-ốt được dùng trong các bữa ăn gia đình chưa đủ đáp ứng nhu cầu I-ốt của cơ thể. Cần sử dụng muối I-ốt trong nấu ăn hàng ngày để đảm bảo cung cấp đủ vi chất này cho cơ thể.

Muối I-ốt có vai trò rất lớn, giúp điều hòa các chức năng trong cơ thể, như: Điều hòa nhiệt độ cơ thể; điều chỉnh sự phát triển của hệ thần kinh trung ương; giúp phát triển tốt hệ sinh dục; tốt cho tim mạch bằng cách tăng co bóp của tim, tác động trực tiếp đến tần số và lượng oxy tiêu thụ của tim; tác động đến chức năng sản sinh hồng cầu, các tế bào; tăng khả năng lọc ở thận; giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt; tổng hợp, phân giải chất béo và chuyển hóa chất đường; tăng cường tổng hợp Protein khi nồng độ ở mức bình thường và phá hủy Protein khi ở nồng độ cao; duy trì năng lượng cho cơ thể.

Đối với phụ nữ mang thai nếu thiếu I-ốt, thai phụ dễ xảy ra sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Nếu thiếu I-ốt nặng trong giai đoạn mang thai trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác. Trẻ em thiếu I-ốt sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng... Đối với người lớn, bệnh cảnh chính của thiếu I-ốt là gây ra bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động, mệt mỏi…

Trong chế biến thức ăn hàng ngày, mỗi người cần sử dụng muối I-ốt để nấu nướng, đảm bảo cung cấp đủ I-ốt cho cơ thể. Một việc làm đơn giản mà mang lại hiệu quả thiết thực nhằm bảo vệ sức khỏe cho gia đình và là tăng cường trí thông minh của con trẻ.

Muối I-ốt là muối thường được trộn I-ốt theo một hàm lượng cho phép. Trước kia, muối I-ốt được trộn thủ công bằng tay, nay được trộn bằng máy nên ngày càng đảm bảo về chất lượng vệ sinh và hàm lượng I-ốt tiêu chuẩn. Hiện nay, muối I-ốt đảm bảo chất lượng được quy định tại nơi sản suất là 40 ± 5 mcg/10g muối i-ốt. Muối I-ốt không làm thay đổi mùi vị thức ăn mà hoàn toàn như muối thường, được dùng để cho vào thức ăn và làm cho thức ăn trở nên ngon hơn. Lượng I-ốt được trộn vào muối an toàn cho tất cả mọi người, kể cả người thiếu và không thiếu I-ốt, kể cả người bệnh bướu giáp đơn thuần hay cường giáp.

Để tránh mua phải muối giả, không đủ tiêu chuẩn phòng bệnh, người sử dụng muối cần lưu ý: Khi mua muối I-ốt nên chọn muối có hàm lượng I-ốt cụ thể; bao bì nguyên vẹn, muối phải khô, sạch, không lẫn những tạp chất bẩn; có nhãn mác nơi sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng, có đăng ký chất lượng rõ ràng. Bảo quản muối I-ốt nên để muối nơi khô ráo, tránh ánh sáng mặt trời, không nên để muối gần bếp nóng; bỏ muối vào lọ và đậy kín nắp, dùng xong mỗi lần nên rửa lọ sạch, phơi khô rồi lại dùng tiếp đợt khác.

BS. Dương Ngọc Loan Thy (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN