Sự cần thiết phải đăng ký, lưu giữ và sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ

09/10/2013 - 07:51
Kết quả các đề tài, dự án được lưu trữ tại Trung tâm.

Việc đăng ký, lưu giữ và sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bởi, các kết quả nghiên cứu là sản phẩm quan trọng của cả quá trình nghiên cứu và xem như tài liệu đặc biệt mà bất cứ thời điểm nào cũng có thể sử dụng được.

 

Việc đăng ký, lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không chỉ đảm bảo tính kế thừa cho các thế hệ mai sau mà còn nhằm mục đích tránh trùng lắp, lãng phí thời gian, tiền của, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN. Ngoài ra, đăng ký thực hiện nhiệm vụ KH&CN còn có giá trị đối với việc xác nhận công trình nghiên cứu trong tham gia xét phong học hàm, phong tặng các danh hiệu, giải thưởng về KH&CN; đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước,…

Nghị định 159/2004 của Chính phủ về hoạt động thông tin KH&CN có nêu: Tất cả các kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng một phần hoặc toàn bộ kinh phí từ ngân sách Nhà nước, bao gồm các chương trình, đề tài, đề án, dự án, các nhiệm vụ điều tra cơ bản, phải được đăng ký và lưu giữ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về đăng ký và lưu giữ kết quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Sau đó, năm 2007, Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng đã ban hành Quyết định số 03 về việc ban hành Quy chế đăng ký, lưu giữ và sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Ngoài các văn bản trên, năm 2011, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 04/2011 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đăng ký, lưu giữ và sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007. Tiếp sau đó, năm 2012, Bộ KH&CN ban hành Thông tư số 13/2012 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đăng ký, lưu giữ và sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007 của Bộ trưởng Bộ KH&CN, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 04/2011 ngày 20-4-2011 của Bộ trưởng Bộ KH&CN.

Trên cơ sở đó, từ năm 2012, Sở KH&CN Bến Tre đã chỉ đạo Trung tâm Thông tin KH&CN thực hiện nhiệm vụ trên. Dù mới triển khai thực hiện, Trung tâm cũng đã cử cán bộ tham gia khóa tập huấn “Hướng dẫn nghiệp vụ xử lý thông tin, khai thác cơ sở dữ liệu và sử dụng phần mềm hệ thống thông tin NC&PT” tại Cần Thơ, do Phòng Quản lý thông tin và thống kê Cục Thông tin KH&CN Quốc gia tổ chức.

Từ khi triển khai thực hiện đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 27 đề tài, dự án đăng ký, lưu giữ các kết quả nghiên cứu; 17 đề tài, dự án được lưu giữ dưới dạng bản in và điện tử được lưu bằng đĩa CD. Ngoài các hình thức trên, Trung tâm còn lưu giữ cơ sở dữ liệu thông qua phần mềm được viết trên nền tảng MS Access, do Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, Bộ KH&CN xây dựng và phổ biến. Phần mềm có các chức năng: cập nhật, tìm kiếm, thống kê các thông tin về đề tài, dự án, kết quả nghiên cứu. Qua đó, giúp cho việc tìm kiếm dễ dàng, nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm thời gian. Các kết quả nghiên cứu KH&CN còn được khai thác và sử dụng theo quy định. Điều đó còn thể hiện tính công khai, minh bạch các kết quả nghiên cứu KH&CN trong việc sử dụng ngân sách Nhà nước. Kết quả nghiên cứu còn góp phần trong việc tuyên truyền, phổ biến tri thức KH&CN một cách rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân, từ đó giúp người dân ứng dụng một cách hiệu quả vào sản xuất và đời sống.

 

Bài, ảnh: Kim Tuyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN