Sử dụng nước máy, vui mà lo

14/08/2009 - 09:40
Các thành viên Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh xem hệ thống lắng lọc của Nhà máy nước Tân Mỹ. Ảnh: Tr.Q

Nguồn nước ngọt ngào
Năm 2004, nhà máy nước (NMN) Tân Mỹ được xây dựng tại ấp Tân Quý, xã Tân Mỹ (Ba Tri), với công suất 165m3/h, cách cống đập Ba Lai  hai cây số về thượng nguồn, lấy nước thô từ sông Ba Lai và thông qua hệ thống xử lý lắng lọc để cung cấp cho người dân sử dụng. Có nước máy phục vụ sinh hoạt quanh năm, đặc biệt là vào những tháng mặn xâm nhập vào đất liền là niềm vui khó diễn tả đối với người dân nông thôn.

Lúc đầu, chỉ có 5.100 hộ dân, thuộc 12 xã của huyện Ba Tri đăng ký sử dụng, khi hòa mạng cùng 2 NMN Mỹ Chánh và Phước Tuy, số hộ sử dụng nâng lên 6.441 hộ. Số hộ đăng ký sử dụng nước máy tăng dần, nhà máy phải mở rộng chiều dài tuyến ống 85.095 mét để phục vụ cho 7.622 hộ, trong khi đó công suất thiết kế chỉ phục vụ cho 6.600 hộ. Ngày 27-10-2008, UBND tỉnh đã phê duyệt  chủ trương cho nhà máy   nâng cấp, mở rộng công suất từ 165m3 lên 330m3 Nhà máy nước Tân Mỹ dẫn nước ngọt về đến tận xã An Thủy, tiếp giáp biển Đông để phục vụ cho người dân vốn đã chịu rất nhiều thiệt thòi.
Còn ở Bình Đại có DNTN Trung Thành 12, từ việc đầu tư nhà máy sản xuất nước đá để cung cấp cho các hộ dân có tàu thuyền đánh bắt ở xã Bình Thắng. Vào thời điểm nước mặn, nhà máy dùng xà lan vận chuyển nước ngọt về để sản xuất nước đá. Từ việc người dân Bình Thắng mua nước ngọt với giá từ 20.000 đến 30.000đ/m3, chủ doanh nghiệp nghĩ đến việc tăng cường số chuyến hoạt động của xà lan để cung cấp nước ngọt cho người dân, với giá 10.000 đồng/m3. Sau đó, doanh nghiệp được chấp thuận cho xây dựng nhà máy nước trên địa bàn xã Thạnh Trị. Doanh nghiệp hưởng nhiều ưu đãi của tỉnh. Dự án cung cấp nước ngọt nhận được sự đồng thuận cao của đại bộ phận nhân dân. Các hộ dân đốn cây trồng, không cần bồi thường để đường ống được triển khai. Nhà máy nước Trung Thành 12 cũng lấy nước ngọt từ sông Ba Lai lên xử lý, lắng lọc phục vụ cho các hộ dân ở Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, Thới Thuận, Bình Thắng, Bình Thới và thị trấn Bình Đại. Hiện tại, có 3.165 hộ dân sử dụng nước của nhà máy.
Đan xen nỗi lo
Nhà máy nước Tân Mỹ và Trung Thành 12 khai thác lợi thế từ dự án ngọt hóa Ba Lai để giải quyết nhu cầu thiết thực cho hàng ngàn hộ dân rất đáng ghi nhận. Nhưng thực tế, hộ dân sử dụng nước của nhà máy vẫn còn nhiều trăn trở trong tiếp cận nguồn nước. Ông Trần Văn Hải-Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách-HĐND huyện Ba Tri cho rằng, cử tri trong huyện bức xúc việc nguồn nước Ba Lai đang bị ô nhiễm. Người nuôi cá da trơn ở Tân Mỹ và một số xã của huyện Bình Đại bơm nước thải từ ao nuôi, vứt cá chết ra sông Ba Lai. Mỗi khi phát hiện việc làm không đúng của người nuôi cá, điện thoại báo ngành hữu quan, nhưng giải pháp ngăn chặn hiệu quả thì chưa có. Trong khi đó, hàng ngày Nhà máy nước Tân Mỹ lấy nguồn nước này để cung cấp cho hộ dân sử dụng. Một bức xúc nữa là việc cúp điện gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhà máy. Mỗi khi điện cúp, áp lực trong đường ống dẫn nước giảm dần, nước phục vụ không đến được hộ dân ở nơi cuối đường ống. Khi có điện trở lại phải mất một khoảng thời gian mới cung cấp nước trở lại bình thường.
Ông Cao Văn Bé Tư-Phó Chủ tịch HĐND huyện Bình Đại cho biết, bà con bức xúc vì giá nước quá cao 10.000 đồng/m3. Chủ doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết với hộ dân là “khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ giảm giá thành”. Bên cạnh đó, chi phí lắp đặt từ 1,2 triệu đồng giảm xuống còn 600.000 đồng/hộ, vẫn cao. Các hộ dân hoàn cảnh khó khăn không thể sử dụng nước của nhà máy cung cấp.
Ông Nguyễn Thiện Biên-Phó Giám đốc DNTN Trung Thành 12 lý giải: Dự án cung cấp nước ngọt chưa triển khai đến các xã nhưng chi phí cao hơn dự kiến rất nhiều. Các hộ dân vẫn sử dụng nước mưa, chỉ sử dụng nước của nhà máy vào cao điểm nước mặn xâm nhập. Ông Biên khẳng định: Hiện nhà máy hoạt động có lợi nhuận nhưng không nhiều, thời gian thu hồi vốn phải kéo dài hơn 15 năm. Doanh nghiệp chưa tìm ra phương án giảm giá nước. Hiện doanh nghiệp đang xin UBND tỉnh cho tăng giá thêm 1.000
đồng/m3, tức 11.000 đồng/m3.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo hai nhà máy nước mới đây, ông Nguyễn Hải Châu nói: đứng về góc độ người đại biểu của nhân dân, tôi rất xót xa về sự chênh lệch giá nước giữa nhà máy nước Tân Mỹ và Trung Thành 12. Hai nhà máy chỉ cách nhau con sông Ba Lai, nhưng Tân Mỹ thu tiền hộ dân sử dụng giá 4.650 đồng/m3 (vùng nông thôn) và 5.150 đồng/m3 (Thị trấn) còn Trung Thành 12 giá 10.000 đồng/m3 và đang tiếp tục xin tăng giá. Trong khi đó, khuôn biểu giá chỉ cho phép thu từ 1.000-8.000 đồng. Ông Châu đề nghị chủ doanh nghiệp Trung Thành 12 sớm liên hệ với Sở Tài chính để xây dựng giá nước theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch nông thôn đảm bảo đúng quy định và tạo mọi điều kiện để người dân nông thôn được hưởng nhiều quyền lợi nhất.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN