Chăm làm, những thanh niên nông thôn không chỉ mang lợi ích về cho bản thân, gia đình mà còn là tấm gương cho các bạn đồng trang lứa.
“Ai ơi, chớ bỏ ruộng hoang/Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu!”. Câu nói của ông bà ta bao đời vẫn đúng. Trong khi có nhiều thanh niên rời làng quê tìm việc làm nơi các khu công nghiệp, công ty… thì có những thanh niên ở lại quê nhà bám đất, bám vườn để phát triển kinh tế. Đất đã sinh hoa lợi và lòng người sinh tình yêu với đất, với công việc nhà nông. Tình yêu ấy đã lan tỏa đến những con tim tuổi đôi mươi khác cùng chăm làm, xây dựng làng quê ngày càng giàu đẹp!
Về thăm xã Phú Khánh (Thạnh Phú), trên con đường nhựa rợp bóng mát của cây sao dầu, chúng tôi tìm đến nhà anh Võ Chí Trung, là đảng viên, Bí thư Chi đoàn ấp Phú Hòa. Ba năm được tôi luyện trong quân ngũ đã giúp anh có thêm nhiều ý chí và nghị lực vượt khó (anh trước đây là bộ đội hải quân). Năm 2008, anh lập gia đình, tài sản giá trị nhất của hai vợ chồng là 2.000m2 đất do cha mẹ cho. Anh học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, từ các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật và được Đoàn Thanh niên giới thiệu cho vay 10 triệu đồng để nuôi heo, thả cá. Tận dụng hết phần đất mình có, mô hình chăn nuôi của anh dần phát triển. Hiện nay, hai vợ chồng anh Trung nuôi trung bình từ 15 đến 20 con heo lấy thịt, mỗi năm lời khoảng 40 triệu đồng. Từ chất thải của heo, anh xây hầm bioga và nuôi cá, nhờ đó đem về thu nhập thêm 25 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, anh Trung còn mua xe Hoa Lâm nhận chở thuê hàng hóa. Nhận thấy may gia công đem lại nhiều lợi ích cho lao động nhàn rỗi, đầu ra cũng tạm ổn, anh mạnh dạn mua 4 chiếc máy may công nghiệp và nhận nhân công đến làm việc, mỗi nhân công hiện có thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.
Anh Võ Chí Trung cho cá ăn.
Anh Võ Chí Trung tâm sự: “Bây giờ, làm gì cũng cần có kỹ thuật nên mỗi khi có lớp tập huấn hay hội thảo là tôi liền sắp xếp công việc để đi dự. Ngày xưa nhà nghèo, tôi đã thấm thía cái khổ nên quyết tâm vượt khó, vươn lên và giúp những bạn khác trong sức của mình có thể”. Anh Lê Văn Điền - Bí thư Xã Đoàn Phú Khánh cho biết: Võ Chí Trung là một trong những thanh niên tiêu biểu chịu khó làm ăn, có nhiều đóng góp trong công tác xã hội, nhất là vào thời điểm xã Phú Khánh tiến hành xây dựng xã văn hóa và được công nhận vào năm 2006. Ngoài ra, Trung còn thường xuyên tiếp cận, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của thanh niên trong ấp để kịp thời khuyên nhủ và giới thiệu để họ vay vốn phát triển kinh tế. Nhờ đó, ấp Phú Hòa ngày càng có nhiều thanh niên phấn khởi, chí thú làm ăn và thoát nghèo, cụ thể là trường hợp của Lê Quốc Phong, dù không biết chữ nhưng tính toán làm ăn và rất khéo từ số tiền được vay.
Anh Lê Văn Thanh Tùng sửa kiểng trong vườn nhà.
Tuổi đời còn rất trẻ, ấy vậy mà Lê Văn Thanh Tùng, sinh năm 1988 đã đứng vào hàng ngũ những đảng viên trẻ nhiệt huyết của xã Hưng Khánh Trung B (Chợ Lách). Xuất thân trong một gia đình có 6 anh chị em, với diện tích đất canh tác ban đầu là 3.000m2, cậu út Thanh Tùng đã bàn bạc cùng cha mẹ đầu tư sản xuất cây mai vàng. Khởi nghiệp ở cái tuổi 19, ban đầu, lợi nhuận từ cây mai cho chưa cao. Thuê thợ đến sửa mai, anh để ý thợ làm rồi học theo. Thêm vào đó, Tùng rất chịu khó học hỏi khoa học kỹ thuật ở những lớp tập huấn, nhờ đó mà tay nghề mau tiến bộ. Hiện, vườn kiểng nhà Tùng có trên 2.000 gốc lớn nhỏ, với số vốn đầu tư 280 triệu đồng. Trong đó, số mai vàng đều do một tay Tùng chăm sóc, uốn nắn. Nhìn chàng thanh niên trẻ chăm chỉ làm lụng, ai cũng thấy mến thương! Công việc vườn tược của gia đình mấy năm nay đều do một tay cậu út quán xuyến. Mới 24 tuổi nhưng hàng năm, Tùng kiếm được hơn 100 triệu đồng từ vườn kiểng của mình. Là Phó Bí thư Chi đoàn ấp Tân Trung, Lê Văn Thanh Tùng còn có sáng kiến thành lập Câu lạc bộ Hoa kiểng (CLB). Đến nay, CLB có 10 thành viên. Tùng và các bạn trong CLB ngoài việc giúp nhau ngày công lao động còn trao đổi kỹ thuật, giúp đỡ cây, con giống cho thanh niên trong ấp. Anh Trần Thế Hiển - Bí thư Xã Đoàn Hưng Khánh Trung B nhận xét: “Tùng là một trong những thanh niên chịu khó học hỏi, biết chắt lọc những gì đã học cộng với chí thú làm ăn, qua đó chọn cho mình hướng đi phù hợp để phát triển”.
Hiệu quả trong sản xuất đã giúp nhiều thanh niên địa phương có việc làm và tăng thu nhập. Võ Chí Trung và Lê Văn Thanh Tùng là hai trong số tám thanh niên được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn xét đề nghị Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2012.