Sum vầy tận hưởng Tết

01/02/2019 - 18:57

BDK.VN - Tết là dịp đoàn viên, sum vầy lớn nhất trong năm. Bên cạnh sự hớn hở mong chờ, hễ gần đến Tết, các cặp đôi trẻ, các bà nội trợ vẫn có không ít nỗi lo, thậm chí giận dỗi trong việc “ăn Tết”, “chơi Tết”.

Đừng để mâm cỗ ngày Tết trở thành gánh nặng. Ảnh: Khải Minh

Đừng để mâm cỗ ngày Tết trở thành gánh nặng. Ảnh: Khải Minh

“Năm nay nhà mình ăn Tết ở đâu?”

Không dưới một lần, các cặp vợ chồng trẻ đau đầu chọn về bên nhà nội hay nhà ngoại để đón ngày đầu tiên của năm mới. Chồng có lý của chồng, vợ cũng sắc bén không kém. Cuộc tranh luận “ăn Tết ở nhà anh, nhà em” không thành nên “ăn Tết ở nhà chúng ta” là lựa chọn của B., bạn tôi. Kinh tế gia đình khá giả, vợ chồng B xây được nhà riêng, không phải làm dâu. Hai vợ chồng đều là viên chức, chỉ những dịp lễ, Tết dài ngày mới có thể dành thời gian về quê thăm nội, ngoại hai bên.

Thời gian nghỉ càng ít ỏi khi phải chia ra “Mùng Một Tết nội, mùng Hai Tết ngoại, mùng Ba Tết thầy”, rồi phải trực cơ quan, họp lớp... Từ lúc sinh con, B ngại phải di chuyển, sợ ảnh hưởng sức khỏe đứa con, trong khi chồng B muốn phải về nội ăn Tết, để cùng chăm lo cho cha mẹ đúng nghĩa dâu, con.

Tết đến, T không phải rơi vào sự chọn lựa như B, nhưng cô lại lo... đối phó với họ hàng. T lựa chọn sống theo cách mà hội chị em vẫn gọi vui “ế là xu thế”. Ngày thường, sau giờ làm việc, trong lúc bạn bè cô tất tả chạy đi đón con, chìm ngập trong việc nhà, thì cô thong thả với những sở thích của mình. Ngày Tết, cô càng thoải mái hơn. Gặp lại những người họ hàng. Ban đầu, cô cũng khá thoải mái trước sự quan tâm của họ, nhưng dần dà bỗng sợ những câu hỏi dạng… mổ xẻ đời tư như “bao giờ cưới”, “thưởng Tết bao nhiêu”... Không gặp cô thì họ hỏi cha mẹ cô, cũng y chang câu hỏi đó. Dẫu biết đó là lời chào, hỏi thăm không soi mói nhưng T không chịu được cảm giác ấy, nhất là khi tuổi gần 40. Nên Tết, cô thường nằm lì trong nhà đọc báo, xem tivi, hoặc có ra ngoài thì vù đến với hội chị em, hạn chế về quê hoặc lờ đi những người “chuyên hỏi khó”.

Là con dâu trưởng trong gia đình gốc Bắc, cộng với tính hay lam hay làm, vén khéo, N được mẹ chồng tin tưởng giao hết mọi việc lớn nhỏ, trong ngoài. Làm dâu hơn chục năm, cô quán xuyến lo việc giỗ quảy, sinh nhật, họp mặt cuối tuần, lễ, Tết cho nhà chồng không lỗi một nhịp. Những lời khen của nhà chồng làm cô thấy sự vất vả của mình chẳng là gì. Nhưng phụ nữ vốn nhạy cảm. G thầm so sánh mình với các cô em chồng, tại sao họ được bay nhảy, còn mình suốt ngày phải cắm mặt vào bếp. Một vết gợn trong lòng cô như con sóng nhỏ.

Còn M là con gái thành phố, chỉ biết đi học, đi làm, lấy chồng mới thấm thía cảnh sướng quá hóa hư thuở nhỏ của mình. Cũng như B, cô không phải làm dâu, chỉ về nhà chồng vào ngày cuối năm hoặc đầu năm mới. Mẹ chồng cô vốn khéo léo nên thường tự tay làm các món bánh, thức ăn cho 3 ngày Tết. Tết nào về nhà chồng ngay “ca 1” là M sợ cái vụng lòi ra, còn “ca 2” tương đối dễ thở hơn do đồ ăn đã được chuẩn bị hết. Quanh quẩn dọn bàn, rửa chén thôi mà M cũng đã mệt nhừ tử, coi như hết Tết.

Hãy gieo hạt mầm mùa xuân

“Sáng người, tối mình”. Câu này quả không sai đối với các trường hợp kể trên trên. Bởi, đa số họ chỉ nhìn vào những việc mình muốn làm nhưng chưa được làm, hoặc chưa làm được trong nhất thời mà trở nên cáu gắt hoặc thậm chí thấy bế tắc vì không được thông hiểu, thông cảm. Tháo gỡ điểm “nghẽn” ấy thì cuộc sống dễ thở vô cùng.

M từ chỗ ngán ngại nhưng nhờ tính tình xởi lởi, chịu học nên cũng dần thích nghi với Tết quê. Cũng nhờ vậy, cô thấy thương sự tần tảo của mẹ chồng hơn. Còn N được nhà chồng yêu thương, chồng và các cô em chồng tâm lý, nên cơn sóng lòng cũng tan. N cũng không đặt nặng vấn đề Tết nội hay Tết ngoại vì nhà nội ngoại chỉ cách nhau 4 - 5km. Với N, báo hiếu cho cha mẹ là chuyện cả năm, cả đời, không bó gọn trong 3 ngày Tết.

T lập gia đình vào cuối năm ngoái và theo chồng định cư ở nước ngoài. Tết mọi năm rộn rã biết bao nhiêu thì những ngày này, theo lịch Tây, T đến sở làm, cảm thấy cô đơn trong biển người. Cô bỗng thèm cái cảm giác được sống như ngày xưa, cảm giác đối phó với những câu hỏi “xâm phạm đời tư”. Vì suy cho cùng, đó là sự quan tâm lẫn nhau.

Một biến cố xảy ra, mẹ chồng B qua đời sau một vụ tai nạn. B chợt nhận ra, vật chất là phù du, tình cảm gia đình mới là điều thiêng liêng nhất. Vì vậy, Tết đến, cô tự nguyện làm những việc cần làm trong ngày Tết một cách vui vẻ, thoải mái, không còn nặng đầu tính toán ăn Tết ở đâu, như thế nào. Tết không còn là nỗi sợ với B nữa.

Tết là mùa của sum vầy, của tình yêu thương. Hãy tận hưởng không khí ấy, đừng để những nỗi tiếc nuối, lo sợ không tên xen vào.

Cuộc đời là một hành trình dài, không ai có đôi hài vạn dặm để đi trước đến tương lai, xem ngày mai như thế nào, rồi quay lại điều chỉnh cuộc sống hiện tại cho tốt hơn. Và cũng không ai sinh ra mà có đủ đầy các trải nghiệm để tự thích ứng với hoàn cảnh; và cũng có những thứ không ai mong muốn trải nghiệm. Nhưng mỗi chúng ta đều có tấm lòng, nếu nén cái tôi xuống một xíu, biết sống và biết nghĩ cho nhau thì chuyện lớn cũng thành chuyện nhỏ, vất vả nào rồi cũng vượt qua được. Đó mới là mùa xuân trọn vẹn.

Khải Minh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN