Syria bị cáo buộc âm mưu ám sát Thủ tướng Lebanon

31/10/2007 - 08:50

Ông Saad Hariri

Lãnh đạo phe đa số trong Quốc hội Lebanon hôm 30/10 đã khẳng định Syria đứng đằng sau một âm mưu ám sát ông và Thủ tướng Lebanon trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng tới.

’’Chúng tôi có thông tin về âm mưu này và thông tin đó là chính xác. Âm mưu ám sát không chỉ nhằm vào tôi mà còn vào Thủ tướng Fuad Saniora’’, ông Saad Hariri nói với các phóng viên sau khi gặp gỡ Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak tại Cairo. Cha của ông Hariri, cựu Thủ tướng Lebanon Rafik Hariri, đã bị ám sát trong một vụ đánh bom năm 2005 tại Beirut. Syria bị quy trách nhiệm về vụ này.

Các nhóm chống Syria ở Lebanon, hiện chiếm đa số trong chính phủ, cho rằng Damascus đứng đằng sau chiến dịch giết người kéo dài 2 năm qua. Chiến dịch này đã cướp đi sinh mạng của nhiều chính trị gia chống Syria cũng như các quan chức khác. Mới đây nhất là vụ sát hại nghị sĩ Antoine Ghanem vào ngày 19/9 trong một vụ đánh bom xe hơi ở Beirut.

Syria đã phủ nhận mọi liên quan tới các vụ giết người trên. Vụ ám sát ông Rafik Hariri đã gây ra sự phẫn nộ, buộc quân đội Syria rời Lebanon sau 29 năm hiện diện tại đó. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết không thể khẳng định những tuyên bố của ông Saad Hariri.

Ông Hariri cũng cáo buộc Syria âm mưu ngăn chặn cuộc bầu cử tổng thống Lebanon, can thiệp vào sự hòa giải giữa các phe nhóm đối địch tại nước này. Tuần trước, Chủ tịch Quốc hội Lebanon, Nabih Berri, đã hoãn phiên họp Quốc hội bầu tổng thống mới cho tới ngày 12/11 nhằm cho các nhóm đối địch thêm thời gian để thỏa hiệp. Quốc hội nước này, do các nghị sĩ chống Syria chi phối, có chức năng bầu người kế nhiệm Tổng thống thân Syria Emile Lahoud. Ông Emile Lahoud sẽ từ chức vào ngày 24/11.

Có những hy vọng rằng cuộc bầu cử tổng thống có thể phá vỡ bế tắc chính trị kéo dài 10 tháng qua giữa chính phủ Lebanon do Mỹ hậu thuẫn và các nhóm đối lập thân Syria do Hezbollah đứng đầu. Ai Cập đã nỗ lực giúp giải quyết bế tắc này, thuyết phục các phe nhóm ở Lebanon chấp nhận tư lệnh quân đội Michael Suleiman là ứng cử viên thỏa hiệp.

Theo hệ thống chính trị Lebanon, tổng thống thường xuất thân từ cộng đồng Maronite, giáo phái lớn nhất trong số những người Cơ đốc giáo thiểu số. Phe đa số trong Quốc hội hy vọng chọn một trong những thành viên của họ vào vị trí này nhưng phe đối lập đã bác bỏ ứng cử viên mà họ không ủng hộ. Nhiều người Lebanon lo ngại sự chia rẽ trên có thể dẫn tới hai chính phủ đối địch tại một quốc gia đã chịu cảnh nội chiến 15 năm. Cuộc nội chiến chấm dứt năm 1990.

Theo VietNamNet

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN