Tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội

08/12/2021 - 06:13

BDK - Hiện tỉnh đang thực hiện các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên phạm vi toàn tỉnh. Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) từng bước đã được khôi phục.

Chợ đầu mối nông thủy sản Phường 8 (TP. Bến Tre) hoạt động tuân thủ quy định phòng chống dịch Covid-19.

Chợ đầu mối nông thủy sản Phường 8 (TP. Bến Tre) hoạt động tuân thủ quy định phòng chống dịch Covid-19. 

Phục hồi sản xuất, kinh doanh

Tính đến cuối tháng 11-2021, toàn tỉnh có 4.058 DN đang hoạt động, với 96.534 lao động, đạt tỷ lệ 94%/tổng số DN hoạt động; 46.461 hộ kinh doanh, với 85.385 lao động, đạt tỷ lệ 93,88%/tổng số hộ kinh doanh hoạt động. Trong đó, có 5 DN hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, với 300 lao động; 4.053 DN hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, với 96.234 lao động.

Trong tổng số 4.058 DN, có khoảng 3.604 DN có công suất hoạt động từ 80% trở lên, chiếm khoảng 88,5%; 454 DN từ 70 - 80%, chiếm khoảng 11,5%. Bên cạnh đó, một số DN trong khu công nghiệp hoạt động hơn 100% công suất để đáp ứng các đơn hàng sau dịch. Ngoài ra, 97,5% hộ kinh doanh có công suất hoạt động từ 80% trở lên.

Hoạt động các chợ truyền thống, chợ đầu mối đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Công Thương. Hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh, không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến hoặc mua gom hàng hóa để tích trữ.

Đến nay, đa số các DN đều trở lại hoạt động sau thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 và cam kết thực hiện “5K” theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Qua rà soát, có 97 DN đang thiếu hụt lao động (74 DN trong tỉnh, 23 DN ngoài tỉnh), có nhu cầu tuyển dụng 20.430 lao động (10.051 lao động nữ). Ngoài ra, qua thống kê, tỉnh hiện có khoảng 21.385 lao động cần tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề.

Giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng 11-2021 ước đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 10,82% so với tháng trước, tăng 15,07% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng ước đạt 4.313,7 tỷ đồng, tăng 6,62% so với tháng trước, tăng 5,13% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng ước đạt 114,3 triệu USD, tăng 6,05% so với tháng trước, giảm 19,4% so với cùng kỳ.

Theo Báo cáo số 575 của UBND tỉnh, ngày 3-12-2021, việc thực hiện các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã tạo điều kiện để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, do việc đi lại của người dân được nới lỏng nên công tác kiểm soát di biến động giữa các vùng cấp độ dịch khó khăn hơn. Tình hình dịch Covid-19 những ngày gần đây trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, liên tiếp xuất hiện các ổ dịch tại các huyện, thành phố, các DN trong khu công nghiệp và Cụm công nghiệp Long Phước. Số lượng F0 phát sinh trong cộng đồng tăng cao và có nguy cơ lây lan, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe nhân dân và sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết, một số giải pháp tập trung thực hiện trong thời gian tới là tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về công tác phòng chống dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Kế hoạch số 5782/KH-UBND ngày 23-9-2021 của UBND tỉnh về phục hồi, phát triển kinh tế những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.

Tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân.

Tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân.

Các ngành, các cấp, tổ Covid cộng đồng tiếp tục duy trì công tác phòng chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự bảo vệ, chấp hành nghiêm quy định về phòng chống dịch của người dân trong giai đoạn bình thường mới. Tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định cách ly tập trung, cách ly tại nơi cư trú; kịp thời phát hiện, khoanh vùng, dập dịch gọn, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức toàn dân, toàn xã hội về hiệu quả thông điệp “5K”, tiêm vắc- xin, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để vừa đảm bảo phòng chống, kiểm soát dịch hiệu quả, vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện giải pháp xúc tiến thương mại hiệu quả sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhất là xúc tiến thị trường nước ngoài, giúp DN mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tiếp tục thực hiện nhanh việc chi hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 6-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nâng cao vai trò của Tổ công tác 2233 của tỉnh về hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Một trong những giải pháp căn cơ là tiếp tục thực hiện tốt chiến lược “5K + vắc-xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức, trách nhiệm, vai trò của người dân + các biện pháp cần thiết khác” trong phòng chống, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh và quản lý, vận hành xã hội trong tình hình mới. Triển khai quản lý, chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà; áp dụng các biện pháp kịp thời để kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng cho người dân, giảm số người và tỷ lệ tử vong. Đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm chủng vắc-xin, tập trung tiêm cho các đối tượng trên 50 tuổi, trên 65 tuổi và học sinh cấp 3.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN