Tác dụng bước đầu của phân hữu cơ vi sinh sản xuất từ mụn dừa

10/02/2014 - 08:03

Giai đoạn cây xà lách (sử dụng phân HCVS) sau khi gieo 25 ngày.

Được hình thành trong quá trình biển lùi của vùng châu thổ sông Cửu Long, đất cát ở Bến Tre, trong đó chủ yếu là loại đất giồng có diện tích 14.248ha (khoảng 6,4% diện tích toàn tỉnh) được phân bố ở khắp các huyện trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất ở các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, TP. Bến Tre.

Đây là loại đất khá thích hợp cho việc trồng màu và cây lâu năm. Đất cát giồng ít chua ở tầng mặt, nghèo dinh dưỡng, do sa cấu có nhiều cát, nghèo hữu cơ nên khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng kém, cán cân độ phì rất thấp, thiếu đạm nghiêm trọng. Ở những nơi không có cây che phủ, đất rất dễ bị thoát nước và tầng mặt thường rất khô.

Theo thống kê diện tích đất đai huyện Ba Tri (năm 2005): tổng diện tích đất tự nhiên là 35.553ha. Trong đó, các loại hoa màu trồng cạn chiếm 2.086ha, phân bố chủ yếu trên đất giồng cát. Nghề trồng rau màu đã có từ rất lâu tại huyện Ba Tri, tập trung nhiều tại các xã Tân Thủy, An Hòa Tây và Vĩnh An, đã mang lại nguồn kinh tế khá ổn định cho bà con nông dân. Cải xà lách và dưa leo là loại rau màu dễ trồng, thích hợp với đất giồng cát ở Ba Tri, do thời vụ sản xuất nhanh nên được trồng quanh năm.

Với mục đích đánh giá hiệu quả của phân hữu cơ đối với năng suất, chất lượng của một số loại cây rau màu khi trồng trên vùng đất giồng cát nghèo dinh dưỡng và đánh giá sự thay đổi một số đặc tính lý hóa, sinh học của đất giồng cát sau ba vụ canh tác, từ tháng 6-2012 đến tháng 11-2013, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ Bến Tre đã phối hợp với Hội Nông dân xã Tân Thủy (Ba Tri) tổ chức khảo nghiệm sử dụng phân hữu cơ vi sinh sản xuất từ mụn dừa (HCVS) trên 2 loại rau màu là cây xà lách và dưa leo. Đây là loại phân hữu cơ có các tác dụng như: cung cấp cân đối và đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng cho cây trồng, giúp cây phát triển tốt; bổ sung một số chủng vi sinh vật hữu ích cho đất; kích thích ra rễ, bộ rễ phát triển mạnh giúp cây hấp thu tốt nguồn dinh dưỡng, tăng cường chống chịu khô hạn, tăng sức đề kháng với các loại sâu bệnh; cải tạo đất tơi xốp, tăng khả năng giữ ẩm của đất khi được bón.

Giai đoạn cây xà lách sử dụng phân HCVS chuẩn bị thu hoạch.

Với liều lượng sử dụng phân HCVS bón bổ sung cho cây xà lách và cây dưa leo 200kg/1.000m2 đất trồng, kết quả năng suất cây dưa leo tăng hơn 20% và xà lách tăng hơn 25% so với đối chứng là cách sử dụng phân bón của hộ nông dân thường dùng. Lợi nhuận bước đầu tăng thêm gần 10% so với đối chứng. Thực tế cho thấy khi sử dụng phân HCVS thì các chỉ tiêu sinh trưởng cây xà lách như thời gian sinh trưởng, chiều cao cây, chiều dài và chiều rộng của lá, số lá trên cây, trọng lượng cây; chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm như khả năng tươi lâu của lá, màu sắc lá gần như tương đương so với đối chứng. Các chỉ tiêu sinh trưởng cây dưa leo như tổng thời gian sinh trưởng, thời gian xuất hiện lá thật, chiều cao cây, số lá trên cây; chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm như đường kính quả, chiều dài quả gần như tương đương.

Giai đoạn cây dưa leo sử dụng phân HCVS xuất hiện lá thật sau khi gieo
được 7 ngày.

Ông Trần Văn Hạ là nông dân tham gia trồng khảo nghiệm nhận xét: sử dụng nhiều phân hóa học làm đất bạc màu, áp lực sâu bệnh ngày càng gia tăng. Trong khi đó, sử dụng phân HCVS từ mụn dừa cho hiệu quả tốt, có thể nói tương đương phân hoá học, năng suất cây trồng cao; đến thời điểm thu hoạch, lá cây vẫn còn xanh, chứng tỏ đất vẫn còn chất dinh dưỡng nuôi cây và lá. Theo ông, hiệu quả của phân HCVS sẽ không chỉ dừng lại ở những mùa vụ đầu mà hiệu quả về kinh tế và nông học sẽ còn tiếp tục biểu hiện rõ trong những mùa vụ sau.

Những kết quả trên hoàn toàn phù hợp với những nghiên cứu trước đây về hiệu quả của phân hữu cơ sinh học trên một số đối tượng cây trồng. Các nghiên cứu này cũng cho thấy khả năng của phân hữu cơ trong việc tăng năng suất cây trồng và cải tạo các tính chất hóa lý của đất.

Bài, ảnh: Minh Tú (Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN