Tài năng ở… sự kiên trì

04/07/2010 - 16:09
Ông Nguyễn Văn Thành. Ảnh: NG.D

Nghề y gắn với binh nghiệp đã làm nên tài năng Nguyễn Văn Thành. Thế nhưng, nhìn vào những thành công ông có được ngày hôm nay, có mấy ai nghĩ rằng xuất phát điểm của ông là cậu học trò có việc học tưởng chừng dở dang!

Tôi xin cái hẹn và gặp Thượng tá, Bác sĩ Nguyễn Văn Thành vào dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6). Ngôi nhà của ông nằm cuối con hẻm cạnh Quân y tỉnh. Ông nguyên là Trưởng Ban Quân y, Trưởng Bệnh xá, thuộc Tỉnh đội Bến Tre. Chuyện nghề, chuyện nghiệp của bác sĩ Thành hơn ba mươi năm qua đáng được biểu dương. 

Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng. Quê nội ông ở Tân Hào (Giồng Trôm); quê ngoại ở Bình Khánh (nay là Bình Khánh Tây, Mỏ Cày Nam). Ông trưởng thành cũng là lúc quê hương hoàn toàn giải phóng. Năm 1975, ông đi bộ đội, đóng quân ở Lâm Đồng. Làm anh lính thời bình nhưng ông không ngại xông pha. Chân ướt chân ráo vào quân ngũ, ông vừa tập làm quen với cách sống mới qui củ hơn vừa học bổ túc văn hóa. Tốt nghiệp lớp 12 xong, ông được đơn vị chọn đi học lớp y sĩ. Năm 1977, thi vào Trường Trung cấp Quân y II, như cơ duyên, ông chọn học ngành chấn thương - chỉnh hình. Ra trường, ông được giữ lại trường giảng dạy. Đó còn là chuỗi ngày ông “cắm chốt” ở Khoa Ngoại Bệnh viện 115, theo thầy đi mổ và cầm tay chỉ việc cho học sinh... Nhà trường gắn liền chiến trường, lý thuyết gắn liền thực tiễn quả không sai: ông tích lũy kiến thức, truyền đạt lại cho sinh viên, được “bay” ra biên giới Tây Nam làm nhiệm vụ quân y và là cơ sở để ông thi vào Trường Đại học Y dược TP.HCM.

Vì hoàn cảnh gia đình, bác sĩ Thành được chuyển công tác về Bệnh xá Tỉnh đội Bến Tre. Lúc đến nhận việc, ông không nén được tiếng thở dài. Hồi đó, đường sá đi lại còn khó khăn; cơ sở vật chất của quân y thiếu thốn, phương tiện mổ xẻ chủ yếu được mang ở rừng về; về chuyên môn, Bệnh xá chỉ thực hiện tiểu phẫu, còn trung phẫu hay đại phẫu phải chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu. Vì vậy, trong hai năm 1988-1989, ông và đồng nghiệp được tham gia điều trị những cas bệnh khó (ở khoa ngoại bệnh viện tỉnh) để tích lũy kinh nghiệm. Năm 1993, Đại học Y dược đào tạo chuyên khoa I chấn thương - chỉnh hình. Một lần nữa, ông được đơn vị chủ quản chọn đi học; một số anh em khác đi học bác sĩ để chuẩn bị thành lập ngoại khoa “made in Bệnh xá” theo yêu cầu của trên. Bác sĩ Hoàng Việt, Quốc Tuấn, hiện là Giám đốc, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, là bạn đồng môn của ông lúc bấy giờ.

Những kiến thức ở trường được ông vận dụng triệt để trong hoạt động nghiệp vụ. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ mổ thiếu, ông suy nghĩ và cùng anh em tìm vật dụng khác thay thế và đã thành công. Có thể kể đến đèn mổ được “chế tác” từ đèn sân khấu hư, khung cố định ngoài từ máy thông tin hư và thanh inox, rọ nắn xương bằng dây nhựa thùng thuốc... Có người hoài nghi tính hiệu quả của chúng nhưng ông vẫn bình tĩnh, vì ông nắm vững nguyên lý hoạt động của chúng giống như hiểu rõ lòng bàn tay mình vậy. Cas phẫu thuật cho bà cụ bị gãy xương ở phường Phú Khương năm nào - cũng là cas phẫu thuật đầu tiên của ông - là một ví dụ. Để hỗ trợ bà cụ nghèo, không tiền, phải đi bán vé số, ông quyết định khá táo bạo. Khi giã từ Đại học Y dược, trong hành trang ông có vật kỷ niệm là… hai cây đinh đóng xương. Bây giờ, ông thấy đến lúc sử dụng món quà ấy. Không có máy khoan chuyên dụng, ông nhờ đồng nghiệp chạy ra chợ mua máy khoan… thợ mộc. Anh em ngần ngại hỏi ông liệu có thành công không. Ông cũng ít nhiều lo lắng, dù đã từng ăn, từng thở, thậm chí giấc ngủ của ông cũng có bóng dáng của những cas bệnh khó… Nhờ sự nỗ lực không ngừng, đến năm 2005, Bệnh xá được đầu tư, đáp ứng đủ mọi điều kiện, bắt tay thực hiện trung phẫu và đại phẫu sau đó hai năm… Dù đã trực tiếp cầm dao hoặc tham gia vào 4.000 cas phẫu thuật (năm 2005), nhưng bác sĩ Thành vẫn nhớ cảm xúc vỡ òa niềm vui ngày ấy; nhớ bàn tay run run của bà cụ nắm lấy tay ông nói lời cảm ơn.

Niềm vui khó diễn tả hết bằng lời. Với ông, một cas phẫu thuật thành công là do cả ê-kip, chứ không riêng cá nhân nào, từ người hấp dụng cụ, lau nhà… đến người mổ; công tác tổ chức chặt chẽ mới làm được ngoại khoa. Và, thêm một niềm tự hào rất đỗi… quân y: ngoại khoa thành công là đã sẵn sàng chiến đấu, cấp cứu nếu có tình huống xấu như thiên tai, bão lũ… xảy ra. Ông đã viết đề án nâng Bệnh xá lên bệnh viện loại 3 (phối hợp quân – dân y, chủ yếu là nội khoa) trao lại cho học trò, đồng nghiệp trước khi về hưu. Và, ông cũng đã hoàn thành nhiệm vụ Trưởng ban biên soạn địa lý y tế Quân sự tỉnh (Bác sĩ, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Bá Minh làm chủ biên).

Bác sĩ Thành có một gia đình hạnh phúc, vợ ông, quê ở TP.HCM, cũng một thời công tác tại Quân y tỉnh; cậu con trai duy nhất, vì lý do sức khỏe, chọn chuyên ngành Hóa, và sẽ ra trường sau vài tháng nữa… Nhìn lại chặng đường đã qua, ông rút ra một kinh nghiệm và trao lại cho con: Tài năng ở sự kiên trì! Sự kiên trì ấy đã đưa ông từ chỗ bị chiến tranh gián đoạn việc học trở thành một trong những cánh chim đầu đàn của quân y. Tại Đại hội thi đua quyết thắng 5 năm (2003-2007) của Lực lượng vũ trang Bến Tre, Thượng tá, Bác sĩ Nguyễn Văn Thành vinh dự được báo cáo điển hình về việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”.

Chia tay rồi, mà tôi cứ ấn tượng hoài… đôi bàn tay của bác sĩ Thành. Tôi đã lén ngắm nó và hình dung đôi bàn tay ấy từng tỉ mẫn từng cái đinh, cái kẹp để sắp sửa những mảnh xương nối liền với nhau, làm cho căn bệnh không còn dữ tợn nữa; đôi bàn tay ấy đã quá nhiều lần đưa con người về với con người trong niềm hạnh phúc!

K.MINH

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN