Tấm gương sáng về một nữ bác sĩ

08/02/2012 - 07:44

8 giờ sáng, hỏi thăm bác sĩ Kim Phượng, chúng tôi đều nhận được câu trả lời là “cứ đến tìm ở phòng bệnh nội trú”. Trước mắt chúng tôi là hình ảnh người nữ lãnh đạo bệnh viện đến trực tiếp từng giường bệnh để thăm, khám, theo dõi tình hình người bệnh với thái độ ân cần, vui vẻ như người thân trong gia đình.

 

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Trang hiện ngụ tại ấp 3, xã Bình Hòa (Giồng Trôm) là mẹ của chị Kim Phượng. Phát huy truyền thống gia đình, chị luôn phấn đấu vươn lên trong công tác, trong phục vụ người bệnh. Chị chia sẻ “không có cái khổ nào bằng nỗi khổ bệnh tật”. Thấu hiểu vậy, chị luôn nhắc nhở bản thân và anh em đồng nghiệp phải luôn xem “bệnh nhân như người thân của mình để dốc lòng, dốc sức chữa trị”. Năm 2007, để giảm bớt áp lực về thời gian chờ đợi khám cho người bệnh, chị đã có sáng kiến về tổ chức khám, chữa bệnh liên hoàn, nhận được sự đồng tình ủng hộ của đồng nghiệp và người bệnh. Đây được xem là một nội dung cải cách, giảm bớt thủ tục hành chính trong ngành y tế. Tiếp tục sự thành công này, chị chủ động tham mưu, đề xuất xin Sở Y tế trang bị hệ thống xếp hàng tự động trong khám bệnh. Kết quả, chỉ số hài lòng của người bệnh luôn ở mức cao.

Năm 2011, nhằm giảm bớt tình trạng quá tải, chị cùng Ban giám đốc đã xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm công suất sử dụng giường bệnh; tăng cường điều trị ngoại trú, bàn khám, đội ngũ bác sĩ điều trị. Trong đó, nhiệm vụ tạo nguồn đội ngũ y bác sĩ trẻ, vững chuyên môn nghiệp vụ luôn là nỗi trăn trở của chị. Chị chia sẻ: “Trong khả năng của bản thân và bệnh viện, tôi cố gắng tạo mọi điều kiện để anh em tiếp tục học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Có cơ hội phát triển như vậy thì sự đồng lòng, gắn bó với đơn vị là điều tất yếu ở mọi người. Tất cả là vì sự phục vụ người bệnh”. Hiện, bệnh viện có tám bác sĩ chính trên mười bác sĩ chuyên khoa cấp I, ba bác sĩ đa khoa, hai dược sĩ đại học. Thực hiện tốt Đề án 1816, Bệnh viện đã cử y bác sĩ về các đơn vị y tế tuyến dưới để hỗ trợ công tác chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, phác đồ điều trị. Liên tiếp các năm liền, Bệnh viện có nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học trong công tác phục vụ người bệnh được Hội đồng khoa học cấp cơ sở nghiệm thu, triển khai thực hiện.

Với những hoạt động tích cực và hiệu quả trên, năm 2008, chị Kim Phượng đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Song hành cùng hoạt động của bệnh viện, chị còn được biết đến là một người có “thâm niên” làm từ thiện, công tác xã hội. Nhận thấy xung quanh mình có nhiều mảnh đời bất hạnh, vì bệnh tật mà rơi vào hoàn cảnh túng quẫn đến nỗi một bữa cơm no cũng là điều trăn trở hàng ngày, chị đã tiên phong xuất tiền và vận động anh em đồng nghiệp ủng hộ tổ chức bếp ăn từ thiện phục vụ người bệnh tại Bệnh viện (năm 2003). Trải qua gần mười năm hoạt động, bếp ăn đã thực sự trở thành địa chỉ đáng tin cậy của bệnh nhân nghèo, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm tham gia, góp công, góp sức. Hàng ngày, bếp ăn từ thiện của Bệnh viện cung cấp từ 30-40 suất ăn cho bệnh nhân nghèo. Ngoài ra, chị còn giới thiệu các nhà hảo tâm đến với những địa chỉ cần giúp đỡ. Năm 2011, chị đã vận động bạn bè xây dựng sáu căn nhà tình thương, hai cây cầu bê-tông, tổ chức nhiều đoàn khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân nghèo của huyện. Bất kể là thứ bảy hay chủ nhật, chị cũng sẵn sàng rong ruổi khắp các ngõ đường cùng đoàn từ thiện để trao tặng tiền cho hộ gia đình khó khăn.

Chúng tôi xin kết thúc bài viết bằng lời chia sẻ chân tình, sâu sắc của chị Kim Phượng: “Lương y như từ mẫu. Lời răn dạy đó là động lực để tôi cố gắng phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”.

Trong số nhiều tập thể, cá nhân được vinh danh tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2011, một người con của quê hương Giồng Trôm anh hùng đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba. Từ lâu, trong tâm tưởng của đồng nghiệp nơi công tác, chị luôn là tấm gương sáng về chuyên môn, về tinh thần trách nhiệm. Đặc biệt, chị còn có trái tim nhiệt huyết đối với công tác từ thiện xã hội ở địa phương. Người chúng tôi muốn đề cập đến là chị Châu Thị Kim Phượng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Giồng Trôm.

Bài, ảnh: Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN