Tấm lòng những bác sĩ tâm thần

02/03/2014 - 16:57
Bệnh nhân đã có thể tự phục vụ cho mình khi không đến cơn.

Là bác sĩ chăm sóc bệnh nhân bình thường đã là khó, thế nhưng cũng có những bác sĩ đã vượt lên sự khó nhọc ấy để ngày ngày thầm lặng chăm sóc cho những bệnh nhân tâm thần.

Có thể nói, trong bất kỳ thời đại nào thì xã hội cũng luôn tôn vinh và coi trọng những người khoác lên mình chiếc áo blouse trắng. Bởi, họ được mệnh danh là thiên thần mang sự sống đến cho những bệnh nhân. Nhưng có lẽ thầm lặng và giàu tình người hơn cả vẫn là những bác sĩ, những người chăm sóc cho các bệnh nhân tâm thần tại các trung tâm bảo trợ. Đến thăm Trung tâm Bảo trợ người tâm thần vào một ngày cuối tháng 2, chúng tôi mới thật sự cảm nhận được lòng từ tâm của những bác sĩ làm việc tại đây. Buổi sáng như mọi ngày, một không gian yên lặng, không ồn ào, vội vã, nhưng Trung tâm lại mang không khí ấm áp của tình người. Nằm cách trung tâm thành phố khoảng vài kilomet, Trung tâm Bảo trợ người tâm thần (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) là ngôi nhà, nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị cho những bệnh nhân tâm thần cơ nhỡ, không người thân, gia đình nghèo hay diện chính sách. Không mũ nón, không quà cáp hay lời cảm ơn nhưng với họ, niềm vui, nụ cười của những bệnh nhân lại là món quà, là sức mạnh cho sự hy sinh.

Chúng tôi trò chuyện với chị Nguyễn Thị Tuyền, y sĩ, người trực tiếp chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Chị Tuyền cho biết bệnh nhân thích tham gia lao động, những buổi lao động như vậy mọi người cười nói vui vẻ lắm. Tốt nghiệp Trung cấp y tế, ban đầu cũng xin đi làm ở nhiều nơi nhưng rồi như một cơ duyên, chị Tuyền làm việc tại trung tâm từ năm 2011. “Làm việc ở đây cực nhưng mà vui. Mỗi khi bệnh nhân đến cơn, mình lại bận túi bụi, nhưng lúc đó, không còn khoảng cách giữa bệnh nhân và bác sĩ nữa, họ giống như người nhà của mình vậy” - chị Tuyền tâm sự. Hỏi về kỷ niệm đáng nhớ, chị Tuyền cười tươi và kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu tiên làm việc. Là người mới cộng thêm tâm lý hồi hộp, mỗi lần tiếp xúc bệnh nhân, chị Tuyền luôn lo lắng. “Có lần em chăm sóc bệnh nhân rất nặng, co giật liên miên tưởng là không qua khỏi. Mọi người đề nghị gọi về báo người nhà chuẩn bị tâm lý nhưng tụi em cứ kiên trì, tiêm thuốc, theo dõi. Cuối cùng bệnh nhân cũng qua khỏi, lấy lại sức khỏe bình thường. Lúc đó, em vui đến rơi nước mắt”, chị Tuyền ngậm ngùi nói.

Giờ nghỉ giải lao của bệnh nhân sau khi lao động buổi sáng.

Người thứ hai có cùng tâm sự với chị Tuyền là anh Trịnh Công Tuấn. Anh Tuấn cho biết: “Em không nghĩ mình sẽ làm việc lâu dài ở đây, nhưng làm lâu dần em cảm thấy mến rồi không biết từ bao giờ những người bệnh lại giống như người thân của em, vậy là thấy gần gũi với họ”. Công việc của Tuấn là mỗi sáng cho bệnh nhân tập thể dục, cùng tham gia lao động nhưng cũng không quên theo dõi bệnh tình, để khi họ có lên cơn thì kịp thời xử lý. Theo quan sát của chúng tôi, bệnh nhân ở đây chủ yếu là nam giới và gần như không phân biệt tuổi tác. Có người tuổi đã lên đến hàng cha chú, nhưng khi thấy có khách đến thăm lại lễ phép “Chào cô”. Những gương mặt ngây ngô, những lời chào trìu mến ấy làm chúng tôi không kìm được xúc động. Mỗi người vào đây là một hoàn cảnh, một điều kiện sống nhưng điểm chung ở họ là mất đi ý thức, không còn khả năng kiểm soát hành vi, người chăm sóc bệnh là người thân nhất trong mắt họ.  

Bệnh nhân có thể làm những việc nhẹ nhàng để tự chăm sóc mình.

Anh Huỳnh Thanh Vũ, ở xã Tường Đa (Châu Thành), là bệnh nhân tại Trung tâm, hiện đã khỏe nhưng xin được ở lại để chăm sóc cho những người cùng chung số phận với mình. Trước đây, anh Vũ cũng có mái ấm gia đình hạnh phúc, nhưng rồi ba anh mất, mẹ lại đi bước nữa. Cám cảnh cuộc đời, anh đâm ra lo lắng, suy nghĩ, vậy là nhức đầu rồi nói năng lung tung, nặng hơn là đi lang thang, không biết đâu là nhà, đâu là người thân. Anh Vũ được các anh dân phòng đưa đến đây điều trị. Nhớ lại những ngày mới vào Trung tâm, anh Vũ nói: “Những ngày đó, tôi lên cơn liên miên, la lối, đập phá, vậy mà bác sĩ đã không ngần ngại chăm sóc tôi, người thì tiêm thuốc, người thì làm vệ sinh cá nhân. Những khi tôi qua cơn, các y bác sĩ lại động viên an ủi. Cho đến bây giờ thì những bác sĩ, những cán bộ ở Trung tâm đã thật sự là người thân nhất của tôi rồi”.

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Trần Văn Long - Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm đang nuôi dưỡng và điều trị cho 155 bệnh nhân. Cũng giống như bệnh viện, Trung tâm có bác sĩ, điều dưỡng, y sĩ và hồ sơ bệnh án để theo dõi từng bệnh nhân. Nhưng có lẽ điểm đáng quý và khác biệt của những bác sĩ nơi đây là sự chăm sóc tận tâm. Họ thay người nhà làm tất cả những công việc nhỏ nhất như tắm giặt, vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân bệnh, họ đến bệnh viên nuôi như một người thân trong gia đình. “Vậy đó, những bệnh nhân cũng như chúng ta nhưng có điều họ kém may mắn. Biết yêu thương, chăm sóc họ như chính bản thân mình mới thật sự là một cán bộ làm công tác xã hội”, Bác sĩ Long tâm sự.

Bài, ảnh: Trung Nhựt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN