Tân Phong - bỗng dưng là “xóm bệnh gan”

21/09/2012 - 08:08

“Cứ mỗi năm, ấp có khoảng 1-2 người chết vì ung thư. Khoảng 5 năm trở lại đây, ấp có gần 20 người chết vì bị ung thư, phần lớn là ung thư gan” - thông tin được đăng tải trên phương tiện truyền thông về ấp Tân Phong (xã Thành Thới A - Mỏ Cày Nam) làm người dân và cả ngành chức năng “giật mình”. Làng quê êm đềm bỗng chốc xôn xao với những lo lắng, bất an lẫn nghi ngờ. Cùng với đoàn cán bộ chuyên môn của ngành y tế, chúng tôi trở lại Thành Thới A tìm hiểu thực hư câu chuyện.

Có nhiều người bị ung thư, nhưng…

Anh S. đang lụi hụi chăm đàn heo mấy chục con trong dãy chuồng dài dọc gần bên nhà. Hỏi chuyện vợ và con gái anh vừa mới mất vì ung thư gan, anh S. không giấu được niềm đau. Bởi, bi kịch gia đình anh không chỉ dừng lại ở đó mà cả hai đứa con gái (một người vừa tốt nghiệp Trung cấp y tế, một người vừa vào Đại học sư phạm) cũng bị nhiễm virus viêm gan siêu vi B và đang trong quá trình điều trị. Nhưng, còn một may mắn là anh S. không bị nhiễm bệnh này.

Xem các hồ sơ bệnh án, chị L. (vợ anh S.) được phát hiện nhiễm viêm gan siêu vi B cách nay hơn 7 năm, trước khi chuyển sang ung thư gan. Trong thời gian bệnh của chị bộc phát, thì cả nhà mới đi xét nghiệm máu và phát hiện cả 3 đứa con đều bị nhiễm bệnh, trong đó đứa con lớn đã chuyển qua giai đoạn ung thư. Nhận định về trường hợp này, bác sĩ Bùi Văn Bảy - Trưởng Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế cho biết, có thể chị L. bị nhiễm viêm gan siêu vi B từ trước và các con của chị bị nhiễm bệnh theo đường lây truyền từ mẹ sang con.

Cách nhà anh S. không xa, anh T. (em ruột chị L.), anh X., anh B. đang điều trị hoặc từng điều trị viêm gan siêu vi C. Dù có lo lắng, nhưng anh X. cho biết, cả nhà anh đều đi xét nghiệm và không ai nhiễm bệnh như anh. Còn theo B., anh đã điều trị viêm gan siêu vi C từ 4 năm nay và được bác sĩ cho biết anh đã hoàn toàn khỏi bệnh.

Theo khảo sát nhanh của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Mỏ Cày Nam, ở 10 tổ nhân dân tự quản thuộc ấp Tân Phong, từ năm 2007 đến nay, có 8 người chết, trong đó có 5 người chết do bệnh liên quan đến gan, 1 ung thư mật và 1 ung thư vòm hầu. Và ở ấp này hiện còn 15 người đã phát hiện nhiễm viêm gan siêu vi B hoặc C, đang được điều trị. Theo công bố mới đây (tháng 7-2012) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, toàn cầu có khoảng 500 triệu người (cứ 12 người có 1 người) nhiễm virus viêm gan siêu vi B hoặc C. Ước tính ở Việt Nam có khoảng 8 triệu người bị nhiễm hai loại virus này. Như vậy, xét ở yếu tố dịch tễ học, ở ấp Tân Phong có trên 2.000 dân, thì con số 8 người chết và 15 người điều trị bệnh viêm gan siêu vi B và C trong 5 năm trở lại đây không phải là con số đột biến.

Hiểu thế nào về viêm gan siêu vi?

Viêm gan siêu vi là bệnh nhiễm trùng làm tổn thương gan do nhiều loại siêu vi khác nhau gây ra. Hiện nay, người ta tìm được 6 loại siêu vi gây viêm gan, gọi tên là A, B, C, D, E, G. Trong đó viêm gan siêu vi A và E gây bệnh cấp tính và lây lan qua đường tiêu hóa. Còn viêm gan siêu vi B, C, D và G có thể gây bệnh mạn tính và lây bệnh qua đường máu và dịch tiết. Tuy nhiên, ở Việt Nam, viêm gan siêu vi B và C là hai loại viêm gan siêu vi thường gây bệnh viêm gan mạn tính và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Theo thống kê của WHO, có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% các trường hợp ung thư gan do nhiễm virus viêm gan siêu vi B hoặc C.

Người nhiễm virus viêm gan siêu vi B và C không có triệu chứng rõ ràng, nên hầu hết không biết mình mang bệnh. Thế nhưng, mầm bệnh này vẫn âm thầm lây truyền sang người khác và có thể phát bệnh, gây tử vong bất cứ lúc nào. Theo bác sĩ Bùi Văn Bảy, không phải ai bị viêm gan siêu vi B, C cũng sẽ chuyển sang xơ gan hay ung thư, nếu như có sự theo dõi điều trị kịp thời, có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt thích hợp.

Đường máu, tình dục và từ mẹ sang con là 3 con đường lây truyền virus viêm gan siêu vi B và C. Bác sĩ Nguyễn Quang Hiển - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Mỏ Cày Nam nói, cách phòng ngừa tốt nhất là không tiêm chích, sử dụng chung những vật dụng như dao cạo râu, dụng cụ cắt móng tay, lấy rái tai, xâm mình, châm cứu… có khả năng dính máu với người khác; không sử dụng ma túy; quan hệ tình dục an toàn; thăm khám thai và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ khi mang thai. Viêm gan siêu vi C có thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng chưa có vắc-xin phòng ngừa. Còn viêm gan siêu vi B có vắc-xin phòng ngừa, nhưng chưa thể điều trị hết bệnh. Tuy nhiên, virus viêm gan siêu vi B có thể khống chế được và người bị bệnh vẫn có thể sống chung với nó mà không chuyển qua xơ gan hay ung thư gan. “Những ai chưa nhiễm siêu vi B thì nên đi tiêm ngừa” - bác sĩ Hiển cho biết.

Cần hiểu và nhìn nhận đúng vấn đề!

Đó là lời đề nghị khẩn thiết của ngành y tế và chính quyền địa phương xã Thành Thới A. Ông Trần Văn Hải - Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thành Thới A cho biết: Từ khi báo chí đưa tin về “xóm ung thư”, người dân rất hoang mang. Chúng tôi cần có thông tin chính thức của ngành chức năng để người dân yên tâm vui sống và sản xuất, phát triển kinh tế. Bác sĩ Bùi Văn Bảy khẳng định, người nhiễm virus viêm gan siêu vi ở ấp Tân Phong là có, nhưng không “trầm trọng, đìu hiu” như báo chí nêu. Hơn nữa, người viết cần tìm hiểu kỹ hơn về căn nguyên nguồn bệnh và nguyên lý lây truyền để có định hướng phù hợp, giúp người dân hiểu biết mà phòng tránh, chứ không phải làm cho dân lo lắng thêm.

Viêm gan B, C và D lây truyền qua máu của người bị nhiễm, viêm gan B và C còn lây qua quan hệ tình dục không an toàn. Viêm gan A và E thường lây truyền qua nguồn nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm. Ở ấp Tân Phong, các trường hợp phát hiện đều nhiễm virus viêm gan B hoặc C. Vì vậy, vấn đề nguồn nước không phải là căn nguyên của nguồn bệnh. Song, nếu người dân hiểu rõ đường lây truyền thì chắc hẳn không xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Đây chính là vấn đề mà ngành y tế cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông phòng, chống bệnh, đặc biệt với người dân vùng nông thôn. 

Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN