 |
Nhờ áp dụng mô hình này nên lúa chín đều, ít sâu bệnh. Ảnh: H.T |
Trồng lúa là nghề truyền thống của người dân xã Tân Xuân (huyện Ba Tri). Hiện nay, nông dân muốn làm giàu từ cây lúa không khó, chỉ cần chủ động tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.
Anh Lâm Văn Đức, ấp Tân Điểm, tại buổi tổng kết mô hình “ba giảm, ba tăng” cho biết: Trước đây, tôi chỉ biết trồng lúa theo kiểu truyền thống là sạ lan với lượng giống từ 20-25kg/công và bón phân theo cảm tính, còn phun thuốc trừ sâu thì… cứ pha nhiều loại thuốc vào, thậm chí, thấy lúa chín chạy, tôi cũng không biết xử lý ra sao nữa! Vì vậy, tuy quanh năm suốt tháng vất vả, tốn nhiều chi phí nhưng sau khi mùa vụ kết thúc, tôi không thu lãi nhiều vì lúa chỉ cho năng suất từ 5-5,5 tấn/ha.
Năm 2008, được sự hỗ trợ của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, Viện Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri, Hội Nông dân xã Tân Xuân, mô hình sản xuất lúa “ba giảm, ba tăng” đã được triển khai ở 37 hộ, trên diện tích 22,58ha tại ấp Tân Điểm, mang lại tín hiệu vui cho bà con nông dân. Bà con được tập huấn phương pháp, kỹ thuật mới như cách bón vôi để khắc phục phèn trong đất, hạn chế hiện tượng lúa chín chạy; cách bón phân phù hợp (sử dụng phân urê, super lân, kali thay cho các loại phân hỗn hợp) để lúa sinh trưởng, lá giữ màu xanh bền, cho năng suất cao; ứng dụng phương pháp sạ hàng từ 10-12kg giống/công giúp lúa mọc lên đều, theo hàng, tạo khoảng trống để việc bơm nước tưới, đi lại chăm sóc, bón phân trên ruộng thuận lợi hơn và lúa ít nhiễm sâu hại, nấm bệnh. Với các phương pháp, kỹ thuật mới này, bà con tiết kiệm chi phí sản xuất. Ngoài ra, bà con cũng được học cách phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp IPM và “4 đúng”, nghĩa là chỉ sử dụng thuốc trừ sâu khi cây lúa trên 40 ngày tuổi; chỉ phun khi có sâu bệnh xuất hiện và phun có liều lượng, không phun dư thừa. Anh Lâm Văn Đức, ấp Tân Điểm cho biết: Việc sử dụng thuốc trừ sâu đúng cách đã giúp anh giảm chi phí phòng trừ sâu bệnh.
Theo anh Nguyễn Văn Nghị, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri, đây là mô hình trồng lúa hiệu quả nhất từ trước đến nay. Hiện nay, mô hình này đã được nhân rộng ở xã Tân Mỹ, Mỹ Hòa, Mỹ Chánh. Ngay trên địa bàn ấp Tân Điểm, đã có 90% nông dân ứng dụng kỹ thuật sạ hàng thay cho sạ lan truyền thống.