Tặng cho tài sản là đất cho con riêng

05/06/2022 - 19:26

BDK - Ông Nguyễn Văn H có nhu cầu tư vấn: Tôi có con trai riêng đã 10 tuổi. Nay tôi muốn để tài sản lại là 2.000m2 đất cho riêng con tôi có được không? Nếu được thì thủ tục ra sao?

Thắc mắc của ông được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thì quyền tài sản là quyền trị giá tính bằng tiền, gồm có quyền tài sản đối với đối tượng quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác.

Mặt khác, khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai quy định: “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn QSDĐ theo quy định của luật này”.

Theo quy định tại Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình năm (HN&GĐ) năm 2014 thì con có quyền có tài sản riêng; bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.

Điều 76 Luật HN&GĐ cũng quy định về quản lý tài sản riêng của con: “1. Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác”.

Điều 77 Luật HN&GĐ quy định: “1. Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. 2. Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ. 3. Trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện”.

Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, ông có quyền cho con ông QSDĐ để làm của riêng là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tài sản (đất) mà ông muốn cho con ông để làm của riêng phải được xác định trên cơ sở pháp lý là tài sản riêng của cá nhân ông (theo quy định tại Điều 43 Luật HN&GĐ).

Mặt khác, Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 quy định điều kiện thực hiện quyền tặng cho QSDĐ của người sử dụng đất gồm các điều kiện sau: có giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đất không có tranh chấp; QSDĐ không bị kê biên để đảm bảo thi hành án; trong thời hạn sử dụng đất.

Khi đáp ứng cả các điều kiện trên thì ông có thể thực hiện thủ tục tặng cho QSDĐ cho con trai mình. Để thực hiện thủ tục tặng cho QSDĐ, trước tiên ông cần xác lập hợp đồng tặng cho QSDĐ có công chứng, chứng thực theo quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN