|
Thanh tra nguồn phóng xạ tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: CTV |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 40 cơ sở lưu giữ, sử dụng các nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ; đa số được sử dụng để chẩn đoán, khám và chữa bệnh trong các cơ sở y tế và dùng để đo độ dày của giấy, độ dày lớp phủ bề mặt của da trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tất cả các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ đều đã được cấp phép hoạt động.
Trong năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiến
hành các thủ tục thẩm định và cấp mới giấy phép tiến hành công việc bức xạ cho
5 cơ sở X-quang y tế; thẩm định và gia hạn giấy phép tiến hành công việc bức xạ
cho 8 cơ sở; thẩm định, sửa đổi 2 giấy phép tiến hành công việc bức xạ; cấp 6
chứng chỉ nhân viên bức xạ. Số cơ sở mới hoạt động liên quan đến bức xạ tăng 2
cơ sở so với năm 2015.
Sở phối hợp với Trung tâm Thông tin KH&CN và Viện
Năng lượng nguyên tử Việt Nam tổ chức lớp tập huấn đào tạo bức xạ cho gần 90 học
viên là nhân viên bức xạ và người phụ trách an toàn bức xạ (ATBX) trong công
nghiệp và y tế (đối với người phụ trách an toàn của cơ sở, ngoài việc phải tham
gia khóa đào tạo ATBX đối với loại hình công việc bức xạ đang thực hiện, đồng
thời phải tham dự khóa đào tạo bổ sung dành riêng cho người phụ trách an toàn).
Lớp đào tạo giúp các học viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm và chất lượng hoạt
động bảo đảm ATBX, an ninh nguồn phóng xạ của nhân viên bức xạ, người phụ trách
an toàn, người quản lý của cơ sở và xây dựng văn hóa an toàn, an ninh tại các
cơ sở tiến hành công việc bức xạ như: sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ
trong y tế, công nghiệp.
Định kỳ hàng năm, Sở KH&CN đều tổ chức các đoàn thanh
tra, kiểm tra an toàn và kiểm soát bức xạ tại các cơ sở sử dụng thiết bị nhằm kịp
thời chỉ đạo, xử lý những nguy cơ mất an toàn. Trong năm qua, Sở KH&CN đã tổ
chức kiểm tra tại 18 cơ sở X-quang y tế và thanh tra chuyên đề tại 15 cơ sở,
trong đó có 2 doanh nghiệp sử dụng nguồn phóng xạ là Nhà máy giấy Giao Long và
Công ty TNHH Coronet Việt Nam. Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở đều thực hiện
nghiêm việc chấp hành quy định theo Luật Năng lượng nguyên tử như xin giấy phép
tiến hành công việc bức xạ, khai báo thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ; bổ nhiệm
người phụ trách ATBX; trang bị đầy đủ liều kế cá nhân; tổ chức khám sức khỏe định
kỳ và trang bị bảo hộ cá nhân cho nhân viên bức xạ; lưu giữ hồ sơ ATBX đầy đủ;
hàng năm có báo cáo thực trạng ATBX theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ
sở chưa thực hiện tốt việc kiểm định thiết bị bức xạ, kiểm xạ khu vực làm việc...
Những hạn chế này đã được đoàn nhắc nhở và kiến nghị bổ sung.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như chỉ đạo của Bộ
KH&CN về xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp tỉnh, Sở
KH&CN đã nghiên cứu, dự thảo bản kế hoạch ứng phó sự cố để trình Bộ
KH&CN phê duyệt. Sở cũng đã triển khai điều tra các cơ sở thu mua phế liệu
để bổ sung thông tin cho tình huống sự cố: nguồn phóng xạ bị mất cắp và tìm thấy
tại cơ sở phế liệu. Qua điều tra giúp nắm thông tin cơ sở, đồng thời tuyên truyền
cho các cơ sở hiểu về nguồn phóng xạ, mức độ nguy hiểm của nguồn phóng xạ cũng
như biện pháp xử lý khi phát hiện nguồn phóng xạ hoặc nghi ngờ nguồn phóng xạ
được bán/tìm thấy tại cơ sở của mình. Sau khi kế hoạch được phê duyệt sẽ tổ chức
diễn tập theo các tình huống sự cố giả định.
Trong thời gian tới, để đảm bảo ATBX cần phải tăng cường
phối hợp giữa các sở, ngành trong công tác quản lý nhà nước về ATBX hạt nhân.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và tuyên truyền, phổ biến các
văn bản pháp luật đến các cơ sở có hoạt động bức xạ trên địa bàn tỉnh để các cơ
sở hiểu và tổ chức thực hiện tốt trong quá trình hoạt động.