Ngày 8-8-2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 24/2008/CT-TTg về việc tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong thời kỳ hội nhập. Chỉ thị nêu rõ: “Khí hậu đang biến đổi theo chiều hướng ngày càng khắc nghiệt, các sự cố môi trường gia tăng. Môi trường nước đang bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng; đất bị xói mòn và thoái hóa, nhiều nơi diễn ra hiện tượng sa mạc; đa dạng sinh học trên đất liền và dưới biển đều bị suy giảm, môi trường ven biển và các lưu vực sông đang có dấu hiệu ô nhiễm ngày càng tăng, nguồn nước mặt và nước ngầm đang ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng và cạn kiệt.
Nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề bị ô nhiễm nặng do nước thải, khí thải và chất thải rắn; tình trạng nhập khẩu công nghệ và thiết bị lạc hậu, phế liệu không đáp ứng tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường đang diễn ra khá phổ biến. Việc khai thác có tính chất hủy diệt các nguồn lợi sinh vật trên cạn và dưới nước chưa bị ngăn chặn, rừng tiếp tục bị tàn phá nặng nề. Tình trạng trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước; trong khi đó hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường chưa hoàn chỉnh và đồng bộ...”
Nhằm giữ gìn môi trường bền vững, phòng ngừa những tác động xấu đối với môi trường, ứng phó kịp thời với sự cố môi trường, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, kết quả điều tra, xử lý về vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức pháp luật và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về công tác bảo vệ môi trường; chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường; bảo đảm mọi dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các loại dự án khác phải có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường. Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không có hệ thống, phương tiện, biện pháp xử lý chất thải và các biện pháp khắc phục sự cố môi trường; chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế khuyến khích các dự án, cơ chế huy động vốn, có chính sách ưu đãi các nhà đầu tư và phát huy mọi nguồn lực trong lĩnh vực bảo về môi trường, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, nhất là trong thu gom xử lý chất thải...
- Bộ Công an phải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Tổ chức điều tra hình sự và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm về môi trường. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường; phối hợp xây dựng Nghị định của Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường.