Tăng cường đổi mới việc kiểm tra, đánh giá và rèn luyện

12/10/2016 - 06:51

Học sinh không tránh khỏi lo lắng khi kỳ thi THPT năm 2017 có nhiều môn thi trắc nghiệm.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, môn Toán được chuyển từ hình thức tự luận sang trắc nghiệm và cũng lần đầu tiên môn Giáo dục công dân có mặt tại kỳ thi này. Giáo viên (GV) các trường đã bắt tay vào việc soạn câu hỏi để chuẩn bị cho học sinh (HS).

Chuyển đổi ngay từ bây giờ

Ngay từ khi có dự thảo về phương án thi THPT quốc gia mới, GV Trường THPT Phan Thanh Giản (Ba Tri) đã thực hiện việc biên soạn bước đầu câu hỏi đề thi trắc nghiệm. Theo đó, đối với môn Toán, mỗi thầy cô sẽ đóng góp trên dưới 20 câu hỏi cho mỗi chương.

Thầy Bùi Văn Tấn - Hiệu trưởng và cũng là GV dạy Toán lâu năm chia sẻ, so với trước đây, việc ra đề theo hình thức thi trắc nghiệm tốn nhiều thời gian. Cái khó là GV phải đánh giá câu hỏi ra đề nằm ở mức độ nào và ước lượng với khoảng thời gian đó HS có làm được không. Trong ra đề, GV phải nghiên cứu thật kỹ tránh những câu hỏi nhiễu để HS không bị đánh đố. Nắm bắt được điều này ngay từ những tuần trước, GV đã ra những bài trắc nghiệm nhỏ, một mặt để tập cho HS kỹ năng phản ứng nhanh, mặt khác để đánh giá lại tính hiệu quả của đề. “Theo phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đề thi Toán có 50 câu, thời gian làm bài 90 phút, bình quân mỗi câu sẽ là 1,8 phút. Như vậy khi ra đề, GV phải thực hiện phân hóa, chia từ những câu có kiến thức cơ bản đến những câu đòi hỏi vận dụng cao. Để cân đối thời gian làm bài, GV giải trước, ước lượng xem khoảng thời gian đó có phù hợp với từng câu ra đề, làm thế nào HS thực hiện một câu hỏi mà trả lời được nhiều câu hỏi khác, có như vậy mới phát huy được khả năng tư duy của HS” - thầy Tấn nói.

Học sinh đang tập trung trau dồi kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Còn với cô Tống Thị Mỹ Ngọc, GV có trên 20 năm dạy tiếng Anh, để có bộ đề thi phù hợp với HS, cô sẽ biên soạn bộ đề thi mới. “Dù vài năm trở lại đây, tiếng Anh được chọn môn thay thế nhưng trường không bao giờ có tâm thế mong chờ, do vậy HS cũng không thấy khó khăn khi phải thi môn tiếng Anh” - cô Ngọc nói.

Theo cô Trịnh Thị Lan, GV dạy Giáo dục công dân của trường, khi chưa có bộ đề thi mẫu, GV cũng lo lắng nhưng lúc Bộ GD&ĐT công bố đề thi mẫu thì cô thấy yên tâm vì nội dung hầu như nằm trong chương trình lớp 12.

Cũng như các trường khác, tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Châu Thành), ngay từ khi có dự thảo phương án thi mới, các môn như Sinh học, Giáo dục công dân đã được thầy cô điều chỉnh giảng dạy theo hình thức trắc nghiệm. Theo thầy Lê Quang Vưu - Hiệu trưởng, cái khó của trường hiện nay là cách ra đề kiểm tra trắc nghiệm môn Toán. Thầy Vưu lý giải do trước nay GV chỉ dạy HS tư duy theo lối bài thi tự luận, suy nghĩ chậm chắc, trong khi hiện nay với thời lượng 50 câu làm bài trong 90 phút đòi hỏi các em phải vận dụng nhanh. “Để giúp học sinh quen dần với hình thức thi mới, GV không chỉ dạy đúng, dạy đủ theo chuẩn kiến thức mà còn phải dần hình thành cho các em kỹ năng nhận diện đề thi, kỹ năng phân tích và kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm đoán biết kết quả nhanh hơn, hướng dẫn các em một vài kinh nghiệm cần thiết khi làm bài thi trắc nghiệm” - thầy Vưu khẳng định.

Kỳ thi năm nay, có đến 2/3 HS Trường THPT Mạc Đĩnh Chi đăng ký bài thi thứ 4 là bài khoa học xã hội. Cô Trang Phương Thảo, GV dạy Giáo dục công dân của trường chia sẻ: Nếu trắc nghiệm tự nhiên là những con số, công thức cụ thể thì trắc nghiệm xã hội sẽ có những đáp án nhiễu, do chưa quen nên sợ HS sẽ chọn sai.

HS cũng còn nhiều lo lắng

Dù có sự chuẩn bị trước nhưng HS và GV các trường đều có sự lo lắng. Lo lắng vì không biết đề thi có mức độ phân hóa đến đâu, thời gian đến ngày thi không còn nhiều trong khi môn thi lại nhiều hơn năm trước. Đối với các em HS, lo lắng nhiều nhất là môn Toán do chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm. Điều này không chỉ thay đổi phương pháp học mà còn thay đổi cả cách tư duy về Toán học.

Em Nguyễn Như Quỳnh, HS Trường THPT Mạc Đĩnh Chi chia sẻ: “Nếu thi tự luận, khi làm bài mình sẽ giải từ từ để tìm kết quả. Nếu thi trắc nghiệm khi đọc đề mình phải nắm bắt liền cốt lõi của vấn đề rồi rút gọn các bước để làm đúng kết quả bài thi. Em cảm thấy thi trắc nghiệm môn Toán áp lực hơn”. Còn em Nguyễn Bảo Ngọc, HS Trường THPT Phan Thanh Giản cũng bày tỏ sự lo lắng vì có quá nhiều môn phải học. Khi thi trắc nghiệm môn Toán phải học kỹ hơn, tư duy nhiều hơn và trên hết là phải có kỹ năng nhận dạng đề.     

Chia sẻ về sự chuẩn bị cũng như điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, TS Nguyễn Văn Huấn - Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Lợi thế năm học này mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi THPT quốc gia do Sở GD&ĐT chủ trì dành cho tất cả thí sinh của địa phương. Các điểm thi được bố trí đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh; các thí sinh tự do được lựa chọn địa điểm thi phù hợp. Bộ GD&ĐT cử cán bộ, giảng viên từ các trường đại học, học viện đến các tỉnh để phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi, nhất là các khâu coi thi và chấm thi. Không chỉ khi có phương án thi mới mà ngay trong hướng dẫn nhiệm vụ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã lưu ý các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đảm bảo dạy học đầy đủ các môn học theo chương trình, chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học, tránh tình trạng học tủ, học lệch. Tăng cường đổi mới kiểm tra, đánh giá, chú ý rèn luyện đối với các bài tập trắc nghiệm khách quan. Do vậy, các trường, trung tâm không bất ngờ hay khó khăn, lúng túng đối với những điểm mới trong kỳ thi năm 2017.

Bài, ảnh: P.Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN