|
Kiểm tra tôm sú nuôi ở xã An Điền (Thạnh Phú). |
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản, đến hết tháng 7-2012, tổng diện tích nuôi thủy sản là 31.000ha, đạt 98,41% kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh 4.600ha, gồm tôm thẻ chân trắng 1.900ha, tôm sú 2.700ha.
Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi năm nay diễn ra khá phức tạp, gây thiệt hại 1.222ha, chiếm 28% diện tích thả nuôi (tôm chân trắng 424ha, tôm sú 798ha). Tôm chết nhiều thường ở giai đoạn từ 45-70 ngày tuổi, một số ít ở giai đoạn 15-25 ngày tuổi, tập trung nhiều nhất ở các xã Giao Thạnh, Thạnh Phong, Thạnh Hải, An Điền (Thạnh Phú); An Thủy, Tân Xuân, An Hòa Tây, An Đức (Ba Tri); Bình Thới, Định Trung, Bình Thắng, Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị, thị trấn Bình Đại (Bình Đại). Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do bệnh đốm trắng, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô dưới vỏ, một số trường hợp khác được gọi là “bệnh lạ” chưa xác định được nguyên nhân. Đối tượng thứ hai phát triển cũng gặp nhiều khó khăn là cá tra. Hiện toàn tỉnh đã thả giống được 610ha, sản lượng thu hoạch đạt 115.000 tấn. Các doanh nghiệp lớn đang tiếp tục thả giống. Giá bán cá tra nguyên liệu thấp, dao động từ 19.000 - 20.000đ/kg nên phần lớn người nuôi đều bị lỗ. Dịch bệnh cũng xuất hiện rải rác, tỷ lệ thiệt hại có xu hướng tăng, hao hụt trung bình từ 10-20%. Các bệnh thường gặp là gan thận có mủ, xuất huyết, phù đầu, trắng gan, trắng mang, ký sinh trùng, thường tập trung vào cá có trọng lượng 250gr/con. Nhuyễn thể hai mảnh vỏ phát triển 2.060ha, sò 852ha, đã thu hoạch được 6.000 tấn, giá nghêu nguyên liệu ổn định ở mức cao, nên các hợp tác xã (HTX) đều có lợi nhuận khá. Đặc biệt, HTX thủy sản Rạng Đông doanh thu đạt 36,543 tỷ đồng, HTX thủy sản Đồng Tâm doanh thu đạt 16,047 tỷ đồng. Chi cục Nuôi trồng thủy sản phối hợp với 8 HTX thủy sản tổ chức xong Đại hội và Hội nghị thường niên nên bước đầu ổn định về tổ chức quản lý, khai thác. Hiện nay, tình hình nuôi nghêu phát triển khá tốt, nghêu cám bắt đầu xuất hiện ở một số sân bãi nhưng mật độ còn thưa. Chi cục Nuôi trồng thủy sản thường xuyên kếp hợp với các HTX nghêu khảo sát các bãi nghêu thịt, nghêu giống, định kỳ thu mẫu nghêu thịt, mẫu nước để theo dõi diễn biến của môi trường, thời tiết. Khuyến cáo các HTX thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên nghêu, sò nuôi nhằm kịp thời phát hiện những biến động bất lợi để có giải pháp xử lý kịp thời. Các đối tượng nuôi khác cũng được các địa phương chú trọng đầu tư như cá kèo, cá chẻm cá bống tượng, cá rô phi. Phong trào nuôi cá lồng bè phát triển mạnh tại các xã dọc tuyến sông Tiền ở huyện Châu Thành, đối tượng nuôi chính là cá điêu hồng, số lượng 419 lồng, thể tích 35.100m3. Từ nguồn hỗ trợ của Chương trình FSPSII, Chi cục đã thực hiện 10 mô hình nuôi thủy sản nước ngọt cho các hộ dân nghèo trong vùng Dự án, hiện tôm nuôi phát triển khá tốt. Kiểm dịch giống cũng được tăng cường, đã kiểm dịch 1.859 triệu con, trong đó tôm sú 654 triệu con, tôm chân trắng 188 triệu con. Các đối tượng khác như cá tra giống 11.895.300 con, cá chẻm 15.000 con, tôm càng xanh 750.000 con, nghêu giống 589.352kg. Điều rất đáng quan tâm là công tác kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y luôn được ngành chú trọng. Đã kiểm tra 35 cơ sở nuôi thương phẩm, cấp 31 giấy chứng nhận đạt đủ điều kiện vệ sinh thú ý. Để đảm bảo nuôi đạt hiệu quả, Chi cục đã tổ chức triển khai nhiều giải pháp như quản lý chặt chẽ con giống, tái kiểm 100% lượng giống tôm biển nhập tỉnh bằng phương pháp PCR đối với bệnh đốm trắng và Taura. Tăng cường công tác giám sát hoạt động sản xuất giống thủy sản trong tỉnh để có kế hoạch quản lý chặt chẽ, chủ động trong công tác kiểm dịch giống. Triển khai 9 đợt kiểm tra hoạt động nhập giống và sản xuất giống trong tỉnh, nâng tổng số đợt kiểm tra lên 64 đợt, phát hiện 73 trường hợp vi phạm các qui định về quản lý giống. Phối hợp với các huyện thành lập mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban quản lý vùng nuôi thủy sản nhằm góp phần quản lý tốt môi trường dịch bệnh. Tuyên truyền vận động người nuôi thực hiện tốt công tác xử lý dịch bệnh, tuyệt đối không được xả thải bùn đáy ao, mầm bệnh ra kênh rạch tự nhiên khi chưa được xử lý. Triển khai tốt chỉ đạo của UBND tỉnh về việc hỗ trợ hóa chất Chlorine trong xử lý dịch bệnh. Đến nay, đã hỗ trợ hóa chất dập dịch là 167 tấn, diện tích hỗ trợ là 434ha với 1.350 hộ nuôi tôm, chiếm 35% tổng diện tích thiệt hại. Tổ chức thu 117 mẫu tôm bệnh xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh, đề xuất nhiều giải pháp xử lý. Qua kiểm tra phát hiện 68 mẫu nhiễm bệnh IHHNV và 19 mẫu nhiễm WSSV trên tôm chân trắng, tôm sú. Thông qua nguồn vốn sự nghiệp, vốn hỗ trợ, các tổ chức tài trợ khác đã tổ chức 84 lớp tập huấn, tuyên truyền các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan đến an toàn môi trường, dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm.
Nhìn chung, tuy còn nhiều khó khăn do dịch bệnh trên các đối tượng nuôi thủy sản nhưng 6 tháng qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều nỗ lực khắc phục, sớm tìm ra được một số nguyên nhân, đề xuất giải pháp kịp thời nên bước đầu hạn chế được dịch bệnh. Hiện đang vào cao điểm, ngành đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương, nhất là Ban quản lý vùng nuôi tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý dịch bệnh có hiệu quả hơn.