Ngày 9-12-2024, phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 23 (kỳ họp cuối năm 2024) HĐND tỉnh Hậu Giang, Khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 của tỉnh đứng thứ 2 vùng Đồng bằng sông Cửu Long (sau tỉnh Trà Vinh đạt 10,04%), xếp thứ hạng cao của cả nước, vượt Nghị quyết HĐND tỉnh trong năm 2024 đề ra 7,5%.
Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Duy Khương/TTXVN
Năm 2024, Nghị quyết của HĐND tỉnh Hậu Giang đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, ước cả năm có 18/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong số đó, có 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu ngân sách, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế, dân số, lao động, tỷ lệ hộ nghèo, giáo dục, y tế, tỷ lệ sử dụng nước sạch; có 5 chỉ tiêu đạt kế hoạch là tỷ lệ đô thị hóa, nông thôn mới, tỷ lệ rác thải sinh hoạt ở đô thị và nông thôn được thu gom và xử lý, quốc phòng và an ninh.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 8,76% (kế hoạch 7,5%); GRDP bình quân đầu người đạt 90,04 triệu đồng (kế hoạch 88,84 triệu đồng), tương đương 3.602 USD, tăng 12,09% so với cùng kỳ, vượt 1,35% kế hoạch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực I, tăng khu vực II. Khu vực I còn 21,4%, giảm 0,55%; khu vực II 37,01%, tăng 1,33%; khu vực III 34,08%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn 25.800 tỷ đồng, tăng 13,66% so với cùng kỳ, vượt 3,32% kế hoạch; thu ngân sách trên địa bàn 7.520 tỷ đồng, tăng 23,52% so với cùng kỳ, vượt 0,27% kế hoạch.
Năm 2024, Hậu Giang đã thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Việc cải cách hành chính đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Cải cách thể chế là một trong nội dung của cải cách hành chính được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách phục vụ cho sự nghiệp phát triển của tỉnh; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Duy Khương/TTXVN
Các ngành, địa phương thực hiện rà soát các cơ chế, chính sách các lĩnh vực như ưu đãi đầu tư; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hợp tác xã; ưu đãi, phát triển trên các lĩnh vực đất đai, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh... ban hành, sửa đổi, bổ sung phù hợp, thống nhất theo thẩm quyền. Thủ tục hành chính được tỉnh thực hiện theo hướng công khai, minh mạch, đơn giản, thuận tiện trong giải quyết các công việc cho người dân và doanh nghiệp; hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước được tăng cường.
Năm 2024, tỉnh cấp mới 5 chủ trương đầu tư ngoài khu công nghiệp với số vốn 1.063 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 322 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 185.000 tỷ đồng, trong đó có 257 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn hơn 35.000 tỷ đồng và 62 dự án trong khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn gần 149.000 tỷ đồng.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh cấp mới 1 dự án với số vốn là 0,15 triệu USD. Lũy kế đến nay có 25 dự án FDI (trong Khu công nghiệp là 5 dự án, ngoài khu công nghiệp 20 dự án), với tổng số vốn đăng ký hơn 731 triệu USD.
Đến cuối năm 2024, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 930 doanh nghiệp, tổng vốn hơn 4.800 tỷ đồng (so với cùng kỳ tăng 3,1% về số lượng, tăng 11,8% về số vốn). Lũy kế đến cuối năm 2024, số doanh nghiệp hoạt động và có kê khai thuế 4.770 doanh nghiệp, tăng 9,4% so với cùng kỳ, vượt 0,15% kế hoạch.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Duy Khương/TTXVN
Năm 2025, Hậu Giang đặt mục tiêu triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng tốc, bứt phá, về đích đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Tỉnh hành động quyết liệt để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, các hoạt động văn hóa, an sinh xã hội.
Hậu Giang tiếp tục hoàn thiện, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, sử dụng hiệu quả biên chế được giao; cải cách hành chính, chuyển đổi số; thúc đẩy phát triển liên kết vùng; tăng cường công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2025 được Hậu Giang đề ra như: tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 8,8%; GRDP bình quân đầu người đạt 106,44 triệu đồng, tương đương 4.174 USD, tăng 11,27% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn theo giá hiện hành 26.900 tỷ đồng, tăng 4,26% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8.300 tỷ đồng, tăng 10,37% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế 4.818 doanh nghiệp, tăng 1,01% so với cùng kỳ...