Tăng tuổi thọ bình quân lên 75 tuổi

18/11/2015 - 09:12

Truyền thông tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh Trường THCS Tân Hào (Giồng Trôm).

Cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản; nâng cao chất lượng dân số; duy trì mức sinh thấp hợp lý; giải quyết tốt vấn đề về cơ cấu dân số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và chất lượng nguồn nhân lực xã hội” - đó là mục tiêu tổng thể trong Kế hoạch hành động Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2015 của UBND tỉnh (ban hành ngày 9-2-2012). Hơn 4 năm qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã tổ chức thực hiện và đạt được kết quả bước đầu (dự kiến cuối năm 2015 sẽ tổng kết, đánh giá).

Pháp lệnh Dân số số 06/2003/PL-UBTVQH11 do Ủy Ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 9-1-2003 đưa ra khái niệm “Dân số là tập hợp người sinh sống trong một quốc gia, khu vực, vùng địa lý kinh tế hoặc một đơn vị hành chính” và “Chất lượng dân số là sự phản ảnh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số”.

Hiện nay, việc đánh giá chất lượng dân số thường được các quốc gia dựa trên 4 chỉ số cơ bản. Thứ nhất, chỉ số phát triển con người (HDI) là chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác của một quốc gia. HDI giúp tạo ra một cái nhìn tổng quát về sự phát triển của một quốc gia. Thứ hai, chỉ số khối hình cơ thể (BMI) phản ảnh chất lượng con người về mặt hình thể. Chỉ số này có thể giúp xác định một người bị bệnh béo phì hay bị bệnh suy dinh dưỡng. Thứ ba, chỉ số phát triển con người liên quan đến giới (GDI) là một chỉ số tổng hợp đo lường phát triển con người trong 3 lĩnh vực giống như trong chỉ số phát triển con người HDI (tuổi thọ, học vấn và thu nhập) nhưng đã điều chỉnh để xem xét sự bất bình đẳng giới trong những lĩnh vực này. Thứ tư, chỉ số nghèo khổ của con người (HPI) đo lường sự nghèo khổ của con người trên hai lĩnh vực chính là giáo dục và y tế phản ảnh tuổi thọ, kiến thức, mức sống và sự tham gia hoạt động xã hội.

Trong những năm qua, với sự nỗ lực của toàn xã hội, chất lượng dân số trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung được cải thiện đáng kể. Vào năm 2012, tuổi thọ bình quân cả nước đạt 73 tuổi, tăng 4,5 tuổi so với năm 2002, đặc biệt tuổi thọ của phụ nữ tăng 5,5 tuổi. Tổng sản phẩm quốc dân bình quân đầu người tăng 2 lần.

Về quy mô dân số, Việt Nam đang là nước đứng ở nhóm đầu, đông dân thứ ba  Đông Nam Á và thứ 13 trên thế giới, với số dân trên 90 triệu người, trong đó có khoảng 67 - 70% dân số trong độ tuổi lao động (hơn 60 triệu người). Nhưng chất lượng dân số chỉ mới đứng hàng trung bình, còn nhiều vấn đề hạn chế, nhiều vấn đề cần phải quan tâm như tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn khá cao, tỷ lệ lao động được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật còn thấp. Bên cạnh đó, các vấn đề về xã hội như sống thử, mang thai sớm, phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV đang có chiều hướng gia tăng.

Mục tiêu đặt ra cho quá trình nâng cao chất lượng dân số là đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ trẻ em bị dị tật mới xuống còn 1,5%, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi xuống 10%, tăng tuổi thọ bình quân lên 75 tuổi, nâng tỷ lệ lao động được đào tạo lên 50%...

Vì vậy, để nâng cao chất lượng dân số, ngoài việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - kế hoạch hóa gia đình, còn triển khai các đề án nâng cao chất lượng dân số: tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, can thiệp sớm bệnh tật thai nhi và sơ sinh thông qua việc xét nghiệm sàng lọc trước sinh và sơ sinh; đẩy mạnh truyền thông, thông tin trực tiếp cho các bà mẹ mang thai, để từ đó loại bỏ những dị tật bẩm sinh, rối loạn di truyền và các căn bệnh khác để khi sinh ra trẻ được bình thường, khỏe mạnh; duy trì cân bằng tỷ số về giới tính để tránh tình trạng thừa nam thiếu nữ trong tương lai. Triển khai mô hình cung cấp thông tin, kiểm tra sức khỏe vị thành niên, thanh niên; thực hiện tốt các chương trình chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em, các chương trình tiêm chủng mở rộng nhằm tăng cường thể lực, thể chất và giảm thiểu các bệnh tật ảnh hưởng đến sức khỏe cho đối tượng vị thành niên; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; giáo dục phổ thông và đào tạo lao động có chuyên môn kỹ thuật, tạo việc làm…

Chất lượng dân số thấp sẽ tạo ra vòng xoắn đói nghèo, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, làm tăng gánh nặng chi tiêu cho các hộ gia đình, từ đó dẫn đến giảm thu nhập, gia tăng tình trạng trẻ em không đến trường và cuối cùng là nghèo đói.

Bài, ảnh: Công Tạo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN