Tạo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh

12/05/2023 - 21:09

Chiều 12-5-2023, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 23, cho ý kiến về Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần chú trọng hơn nữa những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong khai thác tiềm năng của TP. Hồ Chí Minh theo đúng Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm tạo ra các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội.

Dự thảo Nghị quyết bao gồm 12 Điều, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền Thành phố và thành phố Thủ Đức.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, trên cơ sở Tờ trình, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết để xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV theo quy trình thủ tục rút gọn, thông qua tại một kỳ họp.

Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết vì đủ căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý và căn cứ thực tiễn.

Để có căn cứ vững chắc cho Quốc hội xem xét quyết định, Thường trực Ủy ban đề nghị Báo cáo đánh giá tác động cần: cụ thể cả về mặt tích cực và cả những khó khăn, thách thức, những tác động không thuận khi triển khai; chi tiết hơn về kết quả đầu ra, nhất là các chính sách tác động đến thu chi ngân sách nhà nước; đến nguồn lực thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Thảo luận tại phiên họp, ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ các nội dung của dự thảo Nghị quyết và các nội dung của báo cáo thẩm tra góp phần thực hiện mục tiêu tạo động lực mới cho TP. Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ đầu tàu kinh tế của cả nước.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ các loại hình hợp đồng đầu tư xây dựng của Thành phố; có báo cáo đánh giá tác động trong việc thành lập các đơn vị sự nghiệp mới như Sở An toàn thực phẩm, Ban Đô thị trong đó lưu ý vấn đề phân cấp, phân quyền, cơ chế vận hành; nghiên cứu làm rõ mô hình Liên đoàn Hợp tác xã và Trung tâm Tài chính TP. Hồ Chí Minh.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản thống nhất và ủng hộ Tờ trình của Chính phủ; đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ và TP. Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thí điểm sẽ khác với luật định ở chỗ phải có không gian, thời gian, địa điểm cụ thể; thử nghiệm phải có kiểm soát, có quản lý. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu với tinh thần trên để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và các văn bản liên quan.

Về một số nội dung chính sách cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đa số ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với việc cần mở rộng hơn phạm vi áp dụng Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) so với nội dung đề xuất, không chỉ ở lĩnh vực thể thao mà có thể ở văn hóa, y tế, tức là những gì luật không quy định nhưng thành phố thấy cần thiết thì có thể mở rộng; đồng thời, cho rằng không cần thiết phải quy định tổng mức đầu tư mà phân cấp cho Thành phố chủ động trong thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, cơ quan thẩm tra và TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu, tính toán, làm rõ một số vấn đề còn mới, cần làm rõ hơn như việc triển khai BOT trên đường hiện hữu; cách thức hợp đồng BT; đề xuất chuyển Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) thành một Quỹ đầu tư của chính quyền địa phương; việc thành lập thêm Sở An toàn thực phẩm; thu nhập tăng thêm...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, các cơ quan tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tài liệu để trình Quốc hội, Ủy ban Tài chính-Ngân sách có thẩm tra chính thức.

Cảm ơn ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo sát sao để có định hướng xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đây là Nghị quyết quan trọng, phức tạp, khó và có quy mô lớn, đòi hỏi phải đáp ứng được 3 yếu tố: giải quyết điểm nghẽn cản trở sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh; tạo động lực mới và cú hích mới phát triển hết tiềm năng của thành phố trong thời gian tới; đồng thời phải bám sát nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, nếu dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh được thông qua, Thành phố sẽ cần chuẩn bị rất nhiều điều kiện để có thể đáp ứng được việc triển khai Nghị quyết trong thực tế.

Thành phố sẽ phải có kế hoạch giám sát, kế hoạch củng cố bộ máy nhân lực... để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện. Về các vấn đề này, ông Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố cũng đã phân công các cơ quan phụ trách.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh mong muốn dự thảo Nghị quyết sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo và có thể được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN