|
Phiên họp toàn thể đầu tiên của Ủy ban Kinh tế APEC .(Ảnh Tấn Vũ). |
Ngày 27-2, Ủy ban kinh tế APEC (EC) họp phiên tàn thể đầu tiên. Ngoài ra, 7 Ủy ban và nhóm chuyên gia tiếp tục thảo luận sâu về các vấn đề và lĩnh vực: Thương mại và Đầu tư (CTI), Hợp tác kinh tế - kỹ thuật (SCE), Quản lý và Ngân sách (BMC), Đối tác chính sách về an ninh lương thực (PPFS), Nghề cá và Đại dương (OFWG), và Điều phối kinh tế mạng (AHSGIE).
Trong phiên toàn thể đầu tiên
của Ủy ban EC, các đại biểu đã thảo luận tình hình hợp tác APEC trong các lĩnh
vực thuận lợi hoá kinh doanh, quản trị và luật doanh nghiệp, cải cách hành
chính, quản trị nhà nước. Phiên họp cũng đánh giá triển vọng kinh tế khu vực,
với sự đóng góp của các chuyên gia từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cơ
quan hỗ trợ chính sách APEC (PSU) và Viện Quản lý kinh tế Trung ương Việt Nam.
Theo nhận định của PSU, tăng trưởng APEC trong giai đoạn từ nay đến năm 2019 dự
báo tăng nhẹ và ngày càng ổn định, dù còn nhiều yếu tố bất định. Riêng năm
2016, tăng trưởng APEC dự kiến vào khoảng 3,3%, cao hơn mức 3,1% của thế giới,
dù thấp hơn con số 3,5% của năm 2015. APEC cũng tiếp tục dẫn đầu thế giới về
thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tại phiên họp này, chuyên gia
kinh tế cao cấp Võ Trí Thành, đoàn Việt Nam đã trình bày báo cáo nghiên cứu,
nhan đề “”Kinh tế toàn cầu và Việt Nam: Thực trạng và triển vọng”. Bản báo cáo
dẫn những số liệu thống kê, cho thấy kinh tế toàn cầu hồi phục yếu với những
bất ổn khó dự đoán. Đối với nền kinh tế Việt Nam, bản báo cáo khuyến cáo “Việt
Nam cần phải chuyển đổi để phát triển bằng cách thiết lập cơ sở vượt qua bẫy
“”thu nhập trung bình’’. Cần tạo động lực mới cho cải cách cũng như nâng cao
chất lượng nguồn lực phát triển””
Bản báo cáo cũng chỉ ra những
thách thức mà Việt Nam phải đối mặt đối mặt như: Nguồn nhân lực chất lượng và
khả năng tài chính hạn chế; nhu cầu xã hội tăng cao; cải cách thể chế và chính
trị.
Đoàn Liên bang Nga đệ trình lên
hội nghị sáng kiến nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế xã hội ở những
vùng sâu, vùng xa, hội nhập vào những tiến trình phát triển của một nền
kinh tế và toàn bộ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, hướng tới cân bằng, đảm
bảo an ninh, bền vững và tăng trưởng toàn diện.
Sau khi kết thúc phiên họp toàn
thể ngày 26/2, Ủy ban Ngân sách và Quản lý BMC tổ chức phiên họp chung với Ủy
ban hợp tác Kinh tế - Kỹ thuật (SCE), tập trung trao đổi những khía cạnh BMC có
thể đóng góp vào việc thực hiện Chính sách nâng cao năng lực APEC thông qua hợp
tác kinh tế kỹ thuật trong khuôn khổ SCE.
Tiếp nối ngày thảo luận thứ
nhất về các vấn đề lớn, như hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương và WTO, thực
hiện các Mục tiêu Bogor, triển vọng hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á
– Thái Bình Dương (FTAAP), các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới, Ủy ban
Thương mai và Đầu tư (CTI) tiếp tục bàn biện pháp thúc đẩy liên kết kinh tế khu
vực sâu rộng hơn. Các nội dung lớn được trao đổi bao gồm hợp tác và phát triển
chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME)
tham gia thị trường quốc tế, tăng trưởng xanh và hàng hoá, dịch vụ môi trường,
dịch vụ, đầu tư...
Tại cuộc họp Nhóm Điều phối
kinh tế mạng AHSGIE, các đại biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo các nguyên tắc APEC,
hướng tới xây dựng một lộ trình APEC về kinh tế mạng trong năm 2017. Thành lập
năm 2015, AHSGIE là một trong những cơ chế mới của APEC nhằm thảo luận thúc đẩy
hợp tác APEC trong các vấn đề liên quan nền kinh tế số/kinh tế mạng, đồng thời
điều phối các sáng kiến APEC nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua kinh
tế số và kinh tế mạng. Đối với Việt Nam, kinh tế mạng cũng là một lĩnh vực có
nhiều tiềm năng phát triển. Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt
Nam, trong vòng 5 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể
đạt 10 tỷ đô-la Mỹ, với mức tăng trưởng 30 – 50% mỗi năm.
Trong ngày làm việc cuối cùng,
hai nhóm Đối tác chính sách về an ninh lương thực (PPFS) và Nghề cá và Đại
dương (OFWG) đã thông qua các kế hoạch công tác năm 2017, thảo luận công tác
chuẩn bị và đóng góp của các nhóm cho “Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh
lương thực và nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu” vào tháng
8/2017 tại thành phố Cần Thơ. Hai nhóm cũng tổ chức phiên họp chung nhằm thúc
đẩy vai trò của hợp tác nghề cá và phát triển thủy sản bền vững đối với an ninh
lương thực khu vực.
Các đại diện Việt Nam, trong
vai trò chủ nhà báo cáo tình hình triển khai và đề xuất nhiều dự án APEC đóng
góp vào các ưu tiên của Năm APEC 2017. Các sáng kiến về “Thúc đẩy tham gia của
các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực dịch vụ”,
“Thích ứng với biến đổi khí hậu: tác động đối với chiến lược mới về an ninh
lương thực APEC”, “Phát triển kinh doanh nông nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển đổi
lao động nông thôn”,.. đã thu hút sự quan tâm và ủng hộ của các nền kinh tế
APEC.../.