Tập phim cuối cùng

23/09/2016 - 07:27

Chặng đường xa làm giấc ngủ trưa của anh kéo dài đến khi cả xóm lên đèn. Anh thức giấc bởi mùi thức ăn trong bếp và tiếng các nhân vật của một bộ phim dài tập cãi nhau kịch liệt.

Anh nghe họ gọi tên nhau trong lời thoại và nhận ra đó là phim nào. Trời ơi, cái phim đó vẫn chưa hết! - Anh thốt lên khe khẽ.

Sáu tháng trước anh về thấy ba mẹ chăm chú xem phim trên ti-vi lúc năm giờ chiều. Khi ấy mẹ bảo phim này chiếu cũng được mấy tháng rồi. Thi thoảng nhân lúc đợi thang máy vào giờ tan ca, anh gọi về nhà. Anh hỏi mẹ đang làm gì, hỏi cho có thế thôi chứ thực ra đã nghe văng vẳng tiếng phim vọng bên kia. Người ta rất biết làm cho phim dài lê thê. Họ bắt đầu với hàng chục nhân vật chính. Nhân vật nào cũng có tham vọng, yêu thương, bi kịch riêng. Hễ nhân vật này “nhúc nhích” là va đập với nhân vật kia ngay. Những thương lượng không thể nào đi đến thỏa mãn cho cả hai bên nên họ cứ đấu tranh mải miết. Hễ có bi kịch xảy ra là mỗi nhân vật có riêng mười phút để đấm ngực tự trách: Tôi xin lỗi, tại tôi, tại tôi. Xong một nhân vật khác lại nước mắt ngắn dài giành giật trọng trách: Không phải do anh, là do em ngu ngốc… cho đến khi hết một tập phim. Mà điều kì cục là nhân vật ác sống hoài không chết. Nhân vật hiền cứ bị lừa hoài mà không tỉnh ngộ. Và phim nào cũng hiện diện một bà già chồng hoặc một ông bố dễ bị lên máu có tính gia trưởng, cố chấp khiến cháu con cứ bị quay túi bụi. Hễ phim sắp đến hồi kết, bà nội trợ thở phào: khỏe rồi, chắc xong rồi, chắc ngày mai thằng kia chết, chắc con nọ được gặp lại con gái thì nhà sản xuất cho nhân vật mất tích từ 10 tập đầu quay về hoặc tung thêm một vài nhân vật mới để phim kéo dài đến mức ti-vi chỉ đề “tập tiếp theo” chứ không tiện ghi rõ là tập thứ một ngàn lẻ mấy.

Anh vừa nhai cơm, vừa phàn nàn:

Vô lý sao bắn đùng đùng mà cái thằng đó không chết?

Ngu gì đâu, thay vì giành nhau chết trước sao cả nhà không hợp lực lại mà giết kẻ xấu.

Vô lý, làm gì có con nào yêu mù quáng vậy?...

Đôi khi anh mất hết kiên nhẫn. Trời ơi, cái phim gì lãng nhách vậy mà nước mình cũng mua về chiếu. Mở chi cái phim này cho ồn ào và mất thời gian vậy hả trời. Rồi anh bưng chén cơm đi xa cái ti-vi, xa các câu thoại dài dòng và các tình tiết rõ nét hư cấu.

Anh về ít hôm lại đi.

Những người xa quê cứ hay tự làm khổ mình, làm khổ người tiễn đưa bằng cách không chịu khởi hành vào lúc bình minh nắng sớm, cứ chọn lúc hoàng hôn buồn buồn mà lên đường. Không khí đó khiến phía nào cũng thấy lòng nao nao, mà chắc quen thói rồi nên ít ai chịu thay đổi.

Ba mẹ tiễn anh ra cổng thì cũng là lúc năm giờ chiều, ngay lúc ti-vi phát cái phim dài thòng kia. Phim bao giờ cũng ngưng ngay chỗ gay cấn. Ông bà tiễn anh xong thì vô nhà sà mình lên ghế, lên võng để dán mắt vào ti-vi.

Anh đi được vài trăm mét thì nhớ ra quên cái khăn mặt đang phơi ở hiên nhà nên dựng xe máy lại trên con đường quê chật hẹp khó quay đầu xe kia, rồi te te đi bộ vào sân đưa tay rút khăn.

Anh nhìn qua cửa sổ, trong nhà chỉ có mỗi tiếng ti-vi phát lên ra rả. Ba anh thả mình trên ghé dựa, mẹ anh ngồi thu lu ở mép giường. Mắt ông mờ đục, bà đưa tay nhẹ nhàng lau má. Rõ ràng phim đương không đến tình tiết đau buồn, xúc động đến rơi lệ.

Rồi ba anh bất chợt cười phá lên sau những im lặng ngột ngạt:

- Đó, con Tuệ bị con kia hất nước vô mặt rồi kìa.

- Ờ, phải có người trị nó chớ. - Bà hồ hởi hưởng ứng.

... Anh quay đi mà lòng nặng trĩu.

Hóa ra ông bà đâu phải ghiền phim. Phim chỉ là một sự thay thế.

Con cháu mỗi đứa đi một phương lâu thật lâu mới về thăm nhà.

Phim cứ lê thê, phim cũng không thật sự hay ho nhưng ít ra cũng có cái cho ông bà chờ đợi mỗi ngày. Nếu không có cái phim hư cấu đó thì ông bà biết đối mặt với cái gì mỗi lúc chiều buông.

Trương Văn Tuấn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích