 |
Các trang trại nuôi heo ở xã Cẩm Sơn thường xuyên tiêm ngừa dịch bệnh tai xanh. Ảnh: Hoàng Vũ |
Mỏ Cày Nam là một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh về phát triển trồng trọt và chăn nuôi, trong đó chủ yếu là nghề nuôi heo.
Theo báo cáo của huyện, trước đây phần lớn hộ chăn nuôi theo dạng gia đình nhỏ lẻ, chỉ sử dụng các giống nội địa là chính, sinh sản kém, tỷ lệ thịt không cao, hiệu quả kinh tế thấp. Nay huyện tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại để đảm bảo vệ sinh môi trường và đạt hiệu quả kinh tế hơn.
Khi có chủ trương phát triển kinh tế trang trại (từ năm 2003), huyện đã tập trung triển khai và được sự đồng thuận cao của nhiều hộ nuôi gia súc, gia cầm trong huyện. Qui mô nuôi theo dạng trang trại ngày càng phát triển, hiệu quả tăng đáng kể. Hiện toàn huyện có 61 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí theo Thông tư số 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong đó, có 59 trang trại nuôi heo, 2 trang trại nuôi gà. Ngoài ra, còn trên 700 cơ sở chăn nuôi heo, gà chưa đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn theo qui định, với tổng đàn gia cầm 471.000 con, khoảng 245.620 con heo.
Thời gian qua, các ngành tỉnh, huyện cũng đã hỗ trợ nhiều chính sách phát triển kinh tế trang trại như: tinh giống, tiêm phòng vac-xin, hỗ trợ lãi suất vay để xây dựng chuồng trại… Từ năm 2005-2012, số tiền hỗ trợ là 1,21 tỷ đồng. Nhiều trang trại được hưởng chính sách ưu đãi như chuyển mục đích sử dụng điện sinh hoạt sang điện kinh doanh, giúp giảm một phần chi phí đầu tư trong quá trình chăn nuôi.
Để quản lý gia súc, gia cầm chặt chẽ và an toàn, huyện đã thành lập 7 trạm trung chuyển gia súc, gia cầm và đã quản lý rất hiệu quả, không để xảy ra dịch bệnh lớn. Đặc biệt, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp kiểm tra việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi tại các hộ nuôi và hỗ trợ, hướng dẫn người chăn nuôi ý thức tốt hơn, nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Huyện cũng đã rà soát, tiến hành qui hoạch vùng nuôi cụ thể trên từng địa bàn các xã, thị trấn. Qua đó, ưu tiên việc phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, nhất là đàn heo; đồng thời, tổ chức vận động và khuyến khích người dân, doanh nghiệp xây dựng các lò giết mổ, chế biến tập trung theo từng khu vực cụ thể đã được qui hoạch. Nhiều chương trình, dự án, mô hình tốt trong chăn nuôi được ngành nông nghiệp tổ chức triển khai, nhân rộng thành công, như: mô hình trang trại nuôi gà thả vườn an toàn sinh học, mô hình nuôi heo trang trại an toàn với bệnh heo tai xanh. Nhiều cuộc hội thảo, tham quan mô hình trong và ngoài tỉnh, ngoài nước để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong tổ chức trang trại được tổ chức thường xuyên.
Huyện đã thành lập Hiệp hội kinh tế trang trại để người chăn nuôi có điều kiện sinh hoạt, giao lưu học hỏi kinh nghiệm và quan trọng là để liên kết nhằm tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tìm thị trường tiêu thụ. Bước đầu chất lượng đàn heo, đàn gia cầm trong huyện được nâng lên theo hướng sinh sản, nạc hóa, qui mô chăn nuôi theo qui trình khép kín ngày càng tăng. Nhiều cơ sở đã áp dụng giải pháp khoa học vào chăn nuôi, như: mô hình xử lý biogaz, chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học, mô hình nuôi gà sinh học.
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế trang trại cũng còn nhiều khó khăn, cần được tiếp tục đầu tư, chấn chỉnh. Hệ thống xử lý chất thải chưa phù hợp với qui mô chăn nuôi hiện nay. Các trang trại chủ yếu tập trung mở rộng qui mô diện tích, thường áp dụng kỹ thuật nuôi theo kiểu truyền thống mà chưa quan tâm nhiều đến việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhất là về giống mới nên năng suất, chất lượng thường không cao. Việc tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn cho các chủ trang trại chăn nuôi chưa kịp thời. Hầu hết cơ sở chăn nuôi qui mô nhỏ lẻ theo kiểu hộ gia đình hơn là kinh tế trang trại như vốn, trình độ chủ trang trại, số lượng lao động nên việc xem xét cấp giấy chứng nhận còn quá ít so với tiềm năng và thế mạnh của nghề chăn nuôi trong huyện. Giá heo hơi thường không ổn định nên nhiều hộ chăn nuôi chưa mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại.
Nhằm phát triển kinh tế trang trại nhanh và hiệu quả, huyện cần triển khai cụ thể các chính sách có liên quan đến kinh tế trang trại để từng người chăn nuôi thông suốt; tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi thông qua việc cải tạo giống mới, chất lượng cao; tạo môi trường thuận lợi để các chủ trang trại tiếp cận với các cơ sở sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi có uy tín để giảm chi phí đầu vào; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, đa dạng; nâng cao vai trò các tổ chức hiệp hội ngành nghề; triển khai nhanh qui hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ tập trung; tiếp tục tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại.