Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biển

04/02/2021 - 20:52

BDK - Trong năm 2020, hàng loạt những công trình, dự án trọng điểm có tính chiến lược, tạo động lực mới cho sự phát triển của Bình Đại trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 như xây dựng tuyến đường Bắc - Nam, khởi công dự án điện gió và tuyến đê bao chống sạt lở bờ biển tại xã Thừa Đức; tiến hành các bước quan trọng để chuẩn bị giải phóng và giao mặt bằng Khu công nghiệp Phú Thuận... Tất cả những công trình, dự án được huyện tập trung thực hiện theo chủ trương chung của tỉnh là phát triển kinh tế biển.

Trạm biến điện thuộc Dự án điện gió đang được xây dựng tại xã Thừa Đức, huyện Bình Đại. Ảnh: T. Lập

Trạm biến điện thuộc Dự án điện gió đang được xây dựng tại xã Thừa Đức, huyện Bình Đại. Ảnh: T. Lập

Khai thác gắn với chế biến

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng khẳng định, kinh tế biển được xác định là mũi nhọn của huyện, với tiềm năng rất lớn. Huyện được tỉnh chọn là trọng tâm để phát triển lĩnh vực này. Công nghiệp là mũi “đột phá”, là “đòn bẩy” để nâng chuỗi giá trị sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến. Đây là hai lĩnh vực quan trọng trong nhiệm kỳ mà huyện cần phải tập trung quyết liệt.

Năm 2020, toàn huyện có hơn 18.000ha nuôi thủy sản, sản lượng ước đạt hơn 72 ngàn tấn (định hướng đến năm 2025 là 100 ngàn tấn). Những năm gần đây, nuôi tôm công nghệ cao 2 - 3 giai đoạn và các mô hình nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến phát triển mạnh, giảm thiểu rủi ro cho người nuôi với diện tích thả nuôi hơn 784ha, sản lượng ước đạt 70 ngàn tấn. Tổng số tàu huyện hiện có là 1.160 chiếc, trong đó tàu đánh bắt xa bờ 598 chiếc; có 36 tổ, đội đánh bắt gắn với bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên biển. Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 92 ngàn tấn. Huyện đã hoàn thành công trình đầu tư mở rộng cảng cá Bình Đại và đạt chuẩn cấp Quốc gia.

Huyện xây dựng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tập trung, đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi tôm áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác theo yêu cầu của thị trường. Phát triển các mô hình nuôi xen, nuôi kết hợp ứng dụng nuôi một số loài cá nước ngọt để chuyển đổi đối tượng nuôi trong vùng ngọt hóa. Riêng về đánh bắt, sắp xếp lại đoàn tàu theo hướng không tăng thêm số lượng tàu, giảm dần tàu công suất nhỏ đánh bắt ven bờ, giảm nghề khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi, hướng đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường sống.

Thời gian qua, tốc độ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện là khá tốt với giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng hơn 17%. Toàn huyện có 348 cơ sở với tổng vốn đầu tư 114,3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 980 lao động với các ngành nghề như may mặc, chế biến chỉ xơ dừa, sửa chữa cơ khí, chế biến thủy sản. Hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp được đầu tư như đường dây và trạm biến áp 110KVA Phú Thuận - Bình Đại, đường dây 110KV Giao Long - Phú Thuận, Dự án đường dây tải điện từ Thừa Đức về trạm 110KV Bình Thới. Phối hợp với tỉnh triển khai Dự án Khu công nghiệp Phú Thuận có diện tích hơn 231ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.023 tỷ đồng, đang trong giai đoạn áp giá và chi trả đền bù cho bà con trong vùng dự án.

Theo Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dũng, huyện có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư vào khu, cụm công nghiệp; khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực của huyện. Bên cạnh đó là hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, sản xuất thiết bị phục vụ nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tổ chức rà soát, sắp xếp hợp lý các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, cơ sở tiểu thủ công nghiệp, làng nghề để hỗ trợ đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chế biến gắn với bảo vệ môi trường. Củng cố hoạt động làng nghề truyền thống đánh bắt thủy sản, hải sản và làng nghề cá khô Bình Thắng. Áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến, tiêu chuẩn chất lượng để tăng hiệu quả sản xuất.

Du lịch và năng lượng tái tạo

Dự án Khu du lịch biển Thừa Đức đang được khởi động trở lại, đây vốn là khu du lịch biển đầu tiên của tỉnh, từng là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Theo Chủ tịch UBND xã Thừa Đức Phạm Hoàng Long, điều kiện để phát triển kinh tế biển và du lịch của địa phương là rất thuận lợi. Xã có bờ biển dài 14km, trong đó, có hơn 3km đã được người dân địa phương khai thác làm bãi tắm từ năm 1995. Đến những năm 2000, bãi biển Thừa Đức là điểm đến hấp dẫn của đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh vào mỗi dịp cuối tuần và các ngày lễ, nhất là khi có hàng dương - khu bảo tồn sinh thái do Hội Cựu chiến binh xã trồng và chăm sóc, Thừa Đức trở thành một bãi biển phù sa đẹp.

Phát triển du lịch bãi biển Thừa Đức là một trong những “tâm huyết” của lãnh đạo huyện. Nguyên Bí thư Huyện ủy Bình Đại Lê Văn Răng từng cho rằng, bãi biển Thừa Đức gần như “bị lãng quên” trong khi có nhiều lợi thế để phát triển. Lãnh đạo huyện sẽ “khởi động” lại, mời gọi, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư để vực dậy điểm du lịch này. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu.

Về lợi thế phát triển du lịch của Thừa Đức, hiện nay, cơ sở hạ tầng phục vụ cơ bản đảm bảo tốt với hệ thống giao thông thuận lợi, điểm đến du lịch này còn được kết nối với nhiều điểm du lịch tâm linh, văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện như chùa Vạn Phước, đền thờ Huỳnh Tấn Phát, các đình làng được công nhận di tích cấp tỉnh, cấp Quốc gia...

“Ngoài ra, Thừa Đức có lợi thế đất giồng cát với nghề trồng màu truyền thống của người dân địa phương, có hệ sinh thái rừng ngập mặn, những bãi đất cồn, khu bảo tồn… rất thích hợp để phát triển các mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm và du lịch cộng đồng” - Chủ tịch UBND xã Thừa Đức Phạm Hoàng Long nhấn mạnh.

Phát triển về hướng Đông, Bình Đại có một “nền tảng” vững chắc được “tạo dựng” từ nhiệm kỳ trước. Các xã trong tiểu vùng như Thạnh Phước, Thới Thuận, Thừa Đức… đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Về tiềm năng phát triển về hướng Đông, cả ba địa phương đều có lợi thế lớn về du lịch, năng lượng, kinh tế biển như: Thới Thuận và Thừa Đức có hợp tác xã nghêu lớn của huyện và tỉnh; Thạnh Phước có du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm gắn với các sản phẩm OCOP của địa phương. Riêng Thới Thuận được xây dựng trong tầm nhìn chiến lược của huyện, đây sẽ là một đô thị biển trong tương lai cùng với cồn Chày Mười được quy hoạch là khu du lịch sinh thái đã và đang mời gọi đầu tư.

Phát triển về hướng Đông, Bình Đại là một trong những địa phương có lợi thế và tiềm năng rất lớn, huyện đã và đang tập trung thực hiện để trở thành “một đô thị biển” của tỉnh trong tương lai.

Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhiệm vụ đột phá là phát triển kinh tế thủy sản theo hướng tăng năng suất, chất lượng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghiệp, phát triển mạnh công nghiệp chế biến và năng lượng tái tạo; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di tích lịch sử truyền thống cách mạng góp phần phát triển kinh tế biển.

Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN