Tập trung phát triển kinh tế tập thể

25/01/2019 - 21:35

BDK - Năm 2018 là năm thứ ba huyện Mỏ Cày Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Với tinh thần “tăng tốc”, bằng quyết tâm chính trị, sự chỉ đạo của Huyện ủy, điều hành của UBND huyện, nỗ lực của các ngành, các cấp và nhân dân, kinh tế - xã hội của huyện chuyển biến tích cực.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thăm vườn dừa của nông dân trồng dừa Mỏ Cày Nam. Ảnh: C. Trúc

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thăm vườn dừa của nông dân trồng dừa Mỏ Cày Nam. Ảnh: C. Trúc

Vượt khó vươn lên

 “Tiềm năng, tài sản lớn nhất của huyện Mỏ Cày Nam chính là yếu tố con người, tinh thần cần cù vượt khó vươn lên của người dân” - đó là nhận định của Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Hồng Nhung. Từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ chính trị tại huyện Mỏ Cày Nam đến nay, bà Nhung đã cảm nhận và dần nhìn thấy minh chứng.

Trở lại xã Bình Khánh Tây - một trong những xã ở vùng chiếc nôi của phong trào Đồng khởi năm xưa, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Cọt, ấp An Hóa Tây, là cá nhân vượt khó điển hình ở huyện vừa được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen về thành tích “Tích cực vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững năm 2018”. Trong căn nhà kiên cố, anh Cọt kể, 5 năm liên tục hộ anh là hộ nghèo của ấp. Gia đình 6 nhân khẩu chỉ trông chờ vào đồng tiền ít ỏi từ đặt lờ, đặt lọp kiếm cá, tôm của anh, còn vợ anh phải ở nhà chăm sóc mẹ già và 3 con. Các con ngày càng lớn, nhu cầu gia đình càng nhiều, vợ chồng anh chuyển sang chở dừa thuê, gọt cơm dừa gia công.

Quyết tâm nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp ổn định, anh Cọt mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn hỗ trợ khác để mở một cơ sở sơ chế cơm dừa. Hiện tại, mỗi ngày cơ sở của anh thu mua, sơ chế khoảng 4 ngàn trái dừa, giải quyết việc làm cho 15 lao động tại địa phương. Anh Nguyễn Văn Cọt không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả. Hai con lớn của anh giờ đã tốt nghiệp đại học ngành y, có việc làm ổn định, đứa con út đang học lớp 10. Hay tin xã nhà chuẩn bị khởi công mở rộng tuyến đường bê-tông liên ấp ngang qua cơ sở sản xuất của mình, anh Cọt rất phấn khởi.

Xây dựng giao thông nông thôn đã trở thành nhu cầu cần thiết nên đa số người dân huyện đều đồng thuận. Từ hộ khá giàu đến hộ nghèo đều cố gắng đóng góp vật chất, hiến đất đai, hoa màu, ngày công lao động để chung tay xây dựng. Bên cạnh đó, trợ lực từ nhà hảo tâm là vô cùng cần thiết, bởi theo Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trịnh Văn Y, huyện Mỏ Cày Nam có địa hình khá phức tạp do nền đất yếu và mương rạch nhiều nên chi phí làm nền hạ rất tốn kém.

Tại buổi lễ phát động phong trào xây dựng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện diễn ra tại xã Phước Hiệp, ông Võ Văn Út - Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: “Từ nay đến năm 2020, 12 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới nhưng phải đạt tiêu chí giao thông. Theo đó, toàn huyện sẽ xây dựng 11 công trình đường ĐX cấp B, tổng chiều dài 16,7km. Đồng thời đề nghị, sau lễ phát động của huyện, các xã tổ chức phát động tại địa phương mình để tạo ra “cao trào mới, làn sóng mới” trong xây dựng giao thông nông thôn”.

Huyện có 16 xã, 1 thị trấn, hiện có 3 xã được công nhận xã nông thôn mới là: Định Thủy, Cẩm Sơn và An Thới. “Phương châm của huyện là “Dễ làm trước, khó làm sau”, huyện cũng đề cao việc phát huy tối đa ngoại lực, đặc biệt là đóng góp của nhà hảo tâm ngoài xã”, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết. 

Thế mạnh kinh tế tập thể

Bên cạnh nhiều cá nhân vượt khó, tập thể Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam cũng được Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo đánh giá cao vì sự bản lĩnh, không chùn bước trước khó khăn. Sau khi thành lập vào tháng 11-2017 với 185 thành viên, thời gian đầu hoạt động bị lỗ, HTX vẫn kiên trì hoạt động, năng động tìm hướng đi mới như: ký kết cung cấp cơm dừa trắng 2.500kg/ngày, kết nối được doanh nghiệp lữ hành làm du lịch sinh thái. Những tháng cuối năm, mỗi ngày HTX đón hơn 10 lượt khách du lịch, chủ yếu là khách quốc tế tham quan điểm sản xuất cơm dừa, đồ mỹ nghệ… Cuối tháng 10-2018, doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ của HTX đạt trên 2,8 tỷ đồng.

Năm 2019, HTX nông nghiệp Định Thủy tiếp tục đề ra phương án sản xuất, kinh doanh như hạ điện ba pha lắp máy sản xuất chỉ xơ dừa, mụn dừa, xây dựng bãi cho xe vào nhận dừa trái xuất khẩu, làm homestay.

Toàn huyện Mỏ Cày Nam có diện tích vườn dừa đạt 16.988ha, chiếm khoảng 24% tổng diện tích dừa toàn tỉnh. Trong đó, diện tích thu hoạch 15.012ha, sản lượng 157,6 triệu trái/năm. Thực hiện việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, huyện chọn hai sản phẩm chủ lực là chuỗi giá trị cây dừa và con heo. Trên địa bàn huyện có 30 tổ liên kết thực hiện liên kết với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới với diện tích khoảng 2.000ha, sản lượng tiêu thụ trên 450 ngàn trái/tháng; Công ty cổ phần chế biến dừa Á Châu liên kết tiêu thụ dừa với Tổ hợp tác dừa Tân Trung, sản lượng tiêu thụ hàng tháng đạt trên 200 ngàn trái.

Hiện có 1 doanh nghiệp đầu tư xây dựng lò giết mổ gia súc tập trung tại xã Tân Trung, quy mô 300 con/ngày đêm. Doanh nghiệp này đã ký hợp đồng liên kết với các tổ hợp tác chăn nuôi heo trên địa bàn tổ chức thu mua và giết mổ heo sạch cung cấp cho thị trường. Các tổ hợp tác và HTX đang thực hiện quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAP.

Thực hiện chương trình phát triển cây ăn trái, Mỏ Cày Nam đưa ra chỉ tiêu đến năm 2020 đạt diện tích 1.900ha trồng cây ăn trái, trong đó có 200ha trồng chuyên. Đến hết năm 2018, toàn huyện tăng 145ha diện tích cây ăn trái gồm bưởi da xanh, mãng cầu xiêm, nâng tổng diện tích cây ăn trái hiện nay đạt 1.765ha.

Nhìn lại năm 2018, huyện Mỏ Cày Nam đã đạt và vượt 21/29 chỉ tiêu nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Vì thế, huyện quyết tâm nỗ lực, bứt phá vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị năm 2019. Nói về tương lai của huyện trong phát triển kinh tế tập thể, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Hồng Nhung xác định: “Phải thống nhất phương pháp tuyên truyền về HTX trước khi ra dân. Các HTX phải tạo ra sự khác biệt như HTX nông nghiệp Định Thủy và nâng niu, trân trọng sự khác biệt đó để tạo ra hệ giá trị lớn hơn...”. Đó cũng là lời nhắn của lãnh đạo huyện đối với 5 HTX còn lại trên địa bàn huyện tiến vào năm mới 2019.

Tại buổi làm việc với HTX nông nghiệp Định Thủy vào đầu tháng 12-2018, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo tâm đắc: “Tôi ngả mũ thán phục những người ở HTX nông nghiệp Định Thủy. Dù hoạt động trong điều kiện gần như “tay không”, ban đầu lỗ nhưng với tâm huyết, HTX hoạt động bù được lỗ và còn có tích lũy đầu tư mua sắm trang thiết bị, tài sản hữu hình…”.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo cho rằng, đất nông nghiệp hiện nay rất manh mún, dân làm nông nghiệp muốn làm ăn lớn, nông sản không bị ép giá thì người dân phải liên kết để làm HTX; các sở, ngành phải “xúm” lại giúp - cùng làm với HTX cho tốt.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN