Ngày 12-6-2012, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị với lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp (DN) để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cơ sở, DN hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Anh Tuấn, đồng chí Cao Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Toàn tỉnh hiện có 2.641 DN đang hoạt động, vốn đăng ký 6.536 tỷ đồng. Nhìn chung, khó khăn lớn nhất của DN là thị trường tiêu thụ sản phẩm thu hẹp, lãi suất ngân hàng cao, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Việc triển khai chính sách hỗ trợ DN có triển khai thực hiện (đã miễn, giảm, gia hạn cho trên 500 DN với tổng số tiền 160 tỷ đồng), về qui định lãi suất cho vay bước đầu có hiệu quả (đã cho vay 1.946 tỷ đồng). Nhưng, việc tiếp cận vốn vay của DN còn nhiều bất cập. Về dừa trái, mặc dù tỉnh đã tổ chức thực thi nhiều giải pháp nhưng giá vẫn tiếp tục giảm... Qui mô sản xuất của các DN còn nhỏ lẻ, cạnh tranh kém, một số ngành, địa phương hỗ trợ DN chưa kịp thời, còn nhiều phiền hà trong các thủ tục đầu tư...
Kết thúc hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Thành Phong ghi nhận những cố gắng lớn của DN và chia sẻ những khó khăn mà DN đã cố gắng vượt qua trong thời gian qua. Đối với những công việc cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, trước mắt, UBND tỉnh có nghiên cứu và sớm triển khai thực hiện đại trà mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới trong nuôi trồng thủy sản ở xã An Điền (Thạnh Phú), do Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Huy Thuận đề xuất.
Để giải quyết khó khăn do thiếu vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm, ngành chức năng cần hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cho DN với thủ tục nhanh gọn, đúng qui định trong cho vay mới, nhất là nguồn vốn ưu đãi, nguồn vốn sự nghiệp, thực hiện khoanh, giảm nợ. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xác định đối tượng, ngành hàng hỗ trợ. Riêng đối với ngành dừa, cần tiếp tục tìm nguyên nhân, đề xuất các giải pháp mới, trong đó chú trọng việc đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, thực hiện tốt mô hình liên kết: nhà nông - doanh nghiệp - nhà khoa học - Nhà nước để đảm bảo tính bền vững trong phát triển ngành dừa. Tập trung triển khai tốt gói hỗ trợ nông dân chăm sóc vườn dừa, hỗ trợ DN đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị, mở rộng qui mô sản xuất. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành triển khai thực hiện các giải pháp được nêu trong Festival Dừa lần III vừa qua, đồng thời kết hợp với các tỉnh có trồng dừa kiến nghị Trung ương công nhận cây dừa là cây công nghiệp quốc gia để có sự hỗ trợ. Chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược ngắn hạn, dài hạn cho phát triển ngành dừa. Khuyến khích DN trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển ngành dừa, sản phẩm dừa mới.