|
“Ông Hai cầu đường” - Trịnh Văn Y với người bạn đời. |
Có được một tinh thần vui vẻ, cuộc sống luôn tràn đầy ý nghĩa… Đó là điểm chung mà những người đã từng tham gia công tác xã hội (TGCTXH) nhận được.
* “Ông Hai cầu đường”, ông Trịnh Văn Y- người đã bắc nhịp gần 1.000 cây cầu cho các vùng quê nông thôn nghèo khó, tên của ông từ lâu đã không còn xa lạ đối với mọi người. Ở tuổi 68, ông đã có hơn 40 năm tham gia cách mạng, xuyên suốt đến cả thời kỳ xây dựng đất nước. Đến tuổi nghỉ hưu, ông có quyền nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu, nhưng ông vẫn tiếp tục TGCTXH ở lĩnh vực cầu đường. Công việc nhọc nhằn, thế sao ông vẫn làm khi mình đã được phép nghỉ ngơi? Ông cười hiền từ, chia sẻ: “Sau giải phóng, tuy đời sống nhân dân đã được cải thiện rất nhiều, nhưng vùng nông thôn vẫn còn nghèo quá, nhất là giao thông nông thôn còn rất khó khăn: nhiều cầu khỉ và đường lầy lội, năm nào cũng có người chết vì té cầu, tôi cảm thấy rất ray rứt. Tôi nghĩ rằng tuy mình hưu, nhưng sức khỏe còn, có thể làm việc được để đóng góp phần nào giúp bà con nghèo vùng quê. Xây được một cây cầu có nghĩa là đã đem đến cho bà con mình một niềm vui. Những lúc ấy, tôi thấy lòng mình cũng thật vui, tinh thần rất phấn khởi. Đồng thời, có hoạt động, đi lại cũng là điều kiện để rèn luyện thân thể, giữ gìn sức khỏe nữa chứ”.
* Là người từng hiểu rõ hoàn cảnh trẻ em nghèo, cô Nguyễn Lan Châu (nguyên Phó Giám đốc Sở TB&XH) được xem là một người rất nhiệt tình, đầy tâm huyết, luôn vận động đem lại mọi quyền lợi cho các em. Từ một vài suất học bổng đến mấy quyển tập, rồi những chiếc xe đạp, những chiếc áo mới… Xuất phát từ cái tâm, nghĩ về thời thơ ấu của mình nhiều vất vả, cô lại càng thấy thương các trẻ em nghèo. Vậy, cô đã nhận được gì cho mình? Cô nói: “Nhiều lắm chứ, nhưng không phải tiền (cười), khi làm được việc gì cho trẻ em nghèo dù việc lớn hay nhỏ cô đều thực sự vui. Hạnh phúc nhất là khi cô biết các em có nguy cơ bỏ học lại được tiếp tục học đến nơi đến chốn, rồi tìm được việc làm. Những khi nhận được điện thoại báo tin “Con đã tìm được việc làm” là cô thấy lòng sung sướng lắm. Theo cô nghĩ, TGCTXH tuy không thu lại lợi riêng tư, nhưng mình sẽ có được một đời sống tinh thần vui vẻ, có nhiều nụ cười và thấy cuộc sống quanh mình tràn đầy ý nghĩa”.
Cô Nguyễn Lan Châu là người luôn tâm huyết trong công tác vì trẻ em nghèo.
* Còn với “ông Năm” – ông Huỳnh Văn Cam - Chủ tịch Hội Bảo trợ BNN&NTT tỉnh, người đã vận động tài trợ giúp đỡ hàng trăm hoàn cảnh trẻ em bệnh tim bẩm sinh được chữa khỏi bệnh thì cảm nhận việc TGCTXH theo một quan điểm khác. Ông bày tỏ: “Trong đời sống dần dần sung túc hôm nay, đây đó vẫn còn một số người nghèo lại thêm bệnh tật, mà bệnh kéo dài thì càng khổ. Khi mình giúp cho những mảnh đời như thế, cuộc sống dĩ nhiên sẽ có thêm nhiều ý nghĩa. Biết rằng đi vất vả lắm, nhất là về những nơi xa xôi, nắng gió, nhưng tôi thấy mình được nhiều lắm: được hòa vào niềm vui chung với những người nghèo - họ được sống, được hạnh phúc, họ vui, họ cười thì mình cũng sẽ được vui lây. Và khi TGCTXH như thế, tôi còn học được ở họ một nghị lực sống, nghị lực vượt lên nghèo khổ, bệnh tật, đó là một bài học lớn. Và cũng từ đó, tôi mới thấy tấm lòng nhân ái của nhiều người xung quanh mình, rất nhiều người ủng hộ, nhiều tổ chức, nhiều cá nhân trong và ngoài tỉnh, ngoài nước sẵn sàng chung tay đóng góp vì người nghèo của quê hương mình, vậy là hạnh phúc quá còn gì”.
“Ông Năm Lê Huỳnh” - Huỳnh Văn Cam (trái) đã đem hạnh phúc cho rất nhiều trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh.
* Nói về lợi ích của việc TGCTXH, bác sĩ Cao Thị Mỹ Nhơn - Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: “Tôi không mở phòng mạch tư, cũng không còn trẻ, nhưng mỗi khi các em trong tổ chức Đoàn của bệnh viện về nguồn khám bệnh cho bà con nghèo thì tôi luôn tham gia. Tôi không thể nhớ hết những bệnh nhân mà mình đã từng khám và điều trị, nhưng gặp lại tôi, họ rất mừng, nắm tay, thăm hỏi tôi và nhắc lại khoảng thời gian mà tôi đã từng chữa bệnh giúp họ. Những lúc ấy, là một bác sĩ, tôi nghĩ, không ai mà không thấy hạnh phúc. Tình cảm đó là món quà quý giá từ cuộc sống mà khi TGCTXH tôi đã nhận được.
Bác sĩ Mỹ Nhơn (trái) khám bệnh tại xã Thạnh Phong (Thạnh Phú).
Có thể nói, mỗi người ở một lĩnh vực, một vai trò khác nhau trong xã hội nhưng nếu muốn TGCTXH thì dù bất kỳ ở hoàn cảnh nào cũng đều có thể tham gia được. Và khi cống hiến dù ít, dù nhiều công sức của mình để đem lợi ích, niềm vui cho người khác, cho cộng đồng xã hội thì tất nhiên bản thân người ấy cũng sẽ có được niềm vui, cuộc sống sẽ có thêm nhiều ý nghĩa.