Tháng 5 trên công trình cầu Cổ Chiên

10/05/2015 - 17:00

Cầu Cổ Chiên từ phía Trà Vinh. Ảnh: Hữu Hiệp

Hòa trong không khí thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban quản lý cùng công nhân lao động trên công trường cầu Cổ Chiên đang trong giai đoạn nước rút để về đích - nối liền hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Công nhân được chia thành nhiều ca, khẩn trương lao động, không kể ngày đêm để cầu Cổ Chiên được thông xe kỹ thuật đúng vào ngày sinh của Bác 19-5.

Một buổi chiều đầu tháng 5-2015, tôi có mặt trên công trường cầu Cổ Chiên. Cái nắng gay gắt, không một làn gió, cảm giác oi bức phủ khắp công trường. Tôi cảm thấy ngầy ngật, khó chịu. Thế nhưng, hàng trăm công nhân lao động vẫn miệt mài với công việc. Anh Đỗ Minh Lợi - cán bộ an toàn lao động cầu Cổ Chiên - nhiệt tình hướng dẫn tôi tham quan công trình. Anh Lợi cho biết: “Những người làm nghề như tụi tôi theo công trình riết rồi cũng thành quen. Thời tiết ở đây xem ra vẫn còn dễ chịu hơn quê tôi (tỉnh Gia Lai). Khi được tham gia thi công nhiều công trình ở miền Nam, trong đó có Bến Tre, chúng tôi cảm thấy rất vui vì người dân rất hòa đồng, thân thiện. Điều làm anh em công nhân phấn khởi là công trình sẽ được hoàn thành vào ngày sinh nhật của Bác”. Anh Lợi tâm sự, quê anh làm ruộng lúa quanh năm nhưng cuộc sống gia đình vẫn còn nhiều khó khăn. Học xong phổ thông, anh vào TP. Hồ Chí Minh đi học và đi làm cho đến nay. Lần đầu theo công trình đến khi trở về nhà nghỉ phép, gặp lại bạn cũ ai cũng bảo: “Da mày nay nhìn giống… Bao Công rồi đó”. Nhưng được làm công nhân lao động là niềm vui, nhất là mỗi khi công trình được hoàn thành, những mệt nhọc cũng tan dần…

Công nhân ăn cơm giữa giờ tại công trình vào ca đêm.

Cầu Cổ Chiên đang hoàn thiện dần theo thời gian. Các phần cầu đã được gắn nhịp. Gương mặt của nhiều công nhân lao động cũng đã đen sạm bởi nắng hè oi bức. Mùi nhựa trải thảm cầu hắt lên làm cho cái nắng trở nên gay gắt thêm. Nhưng với tinh thần hăng say làm việc, các anh công nhân không lùi bước trước sự khắc nghiệt của thời tiết. Ông Võ Nguyên Viên - Đại diện Ban quản lý cầu Cổ Chiên cho biết: “Công trình có khoảng 450 công nhân, được chia làm 3 ca, 2 tuần thay ca một lần. Các ngày lễ, Tết, công nhân vẫn phải ở lại làm để bảo đảm đúng tiến độ”. Hôm tôi đến (6-5-2015), công nhân đổ lan can và gờ lan can cầu. Các anh làm việc ca 2 (từ 6 giờ chiều đến 12 giờ khuya) đang loay hoay ăn bữa cơm tối tại công trường. Anh Nguyễn Tiến Dũng - công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tuấn Lộc - lau vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên mặt nói: “Đội chúng tôi phụ trách phần đổ lan can và gờ lan can cầu. Đến 2 - 3 hôm sau sẽ hoàn tất. Hai tuần, chúng tôi mới được thay ca, đã quen giờ giấc, làm việc ban đêm hơi thiếu ánh sáng nhưng thời tiết mát mẻ hơn”. Còn chú Thông, quê ở Trà Vinh, chia sẻ: “May mắn là lần này tôi làm công trình tại quê nhà nên thường xuyên về thăm. Khi công trình đã hoàn thành giai đoạn hợp long, đến chiều thấy người dân háo hức đứng dưới chân cầu để xem, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh và sẽ cùng nhau cố gắng hoàn thành đúng thời gian”.

Ông Võ Nguyên Viên cho biết thêm: “Chúng tôi luôn chú trọng chất lượng mỗi bữa ăn của anh em công nhân để đảm bảo được sức khỏe. Đến thời điểm này, công trình đã hoàn thành 90 - 95%, vượt tiến độ hơn 2 tháng so với kế hoạch đề ra. Các công việc còn lại là thảm nhựa mặt cầu, lắp lan can, gờ lan can, sẽ hoàn thành vào ngày 15-5-2015. Dự kiến đến ngày 17-5-2015, sẽ bàn giao cho chủ thầu để tổ chức lễ thông xe vào ngày 19-5”.

Theo anh Đỗ Minh Lợi, bên cạnh tiến độ thi công khẩn trương thì công tác an toàn lao động luôn được đặt lên hàng đầu. “Sáng nào, trước khi vào công trình, chúng tôi cũng nhắc nhở công nhân khắc phục những hạn chế của ngày hôm trước và phân tích các rủi ro, các sự cố nơi nguy hiểm có thể xảy ra tai nạn để cảnh giác, làm việc cẩn trọng hơn. Chúng tôi kiểm tra đồ đồng phục trước khi bước vào công trình. Tôi phải theo dõi suốt trong quá trình thực hiện, bắt buộc các anh em phải tuân thủ đúng quy định vì an toàn ở đây là cho chính bản thân và gia đình công nhân lao động”, anh Lợi nói.

Cầu Cổ Chiên dài 1,6km, đường dẫn 2 đầu cầu dài trên 14km, quy mô 4 làn xe. Đây là 1 trong 4 chiếc cầu quan trọng trên Quốc lộ 60 (Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên, Đại Ngãi). Sau khi cầu hoàn thành sẽ rút ngắn quãng đường gần 80km từ TP. Hồ Chí Minh đi Trà Vinh, Sóc Trăng, giảm áp lực lưu thông xe trên Quốc lộ 1A.

Bài, ảnh: Xuân Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN