Tháng bảy, gặp lại đôi vợ chồng chỉ một bàn tay

23/07/2010 - 09:02
Anh Hoàng, chị Sải, con gái và các cháu. Ảnh: P.L.H.H

37 năm trước, anh Nguyễn Văn Hoàng và chị Nguyễn Thị Sải (cùng ở xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam) gặp nhau trong cuộc hôn nhân cảm động: anh là thương binh 1/4, loại thương binh đặc biệt 96% vì bị mù một mắt, cụt hai bàn tay, còn chị bị mất một bàn tay do tai nạn lao động lúc còn con gái. Giọng anh Hoàng trầm ấm: “Ngày tuyên hôn trong vùng giải phóng, hai đứa tụi tôi không thể nắm được tay nhau nhưng bằng ánh mắt, chúng tôi nguyện vượt lên tất cả, vun đắp cho một hạnh phúc đơn sơ”.

Anh Nguyễn Văn Hoàng sinh năm 1950, do mồ côi mẹ, từ năm 7 tuổi anh phải sống với người mẹ nuôi ở thị trấn Mỏ Cày và đến năm 14 tuổi anh tham gia cách mạng, làm du kích xã Phước Hiệp. Năm 1966, lúc 16 tuổi, anh đi bộ đội Tiểu đoàn 516 và vào Đảng năm 1971. Sau Hiệp định Paris một ngày, tức ngày 28-1-1973, đơn vị anh nhận nhiệm vụ phục kích tàu tuần tiễu trên sông Tiền. Sáng đó, sau khi bắn trái B41 đầu tiên trúng một chiếc tàu, anh lắp trái B41 thứ hai và chuẩn bị bắn. Lúc đó, chiếc tàu chiến chạy trước thấy tàu sau bốc cháy nên tức tốc quay lại, nã đạn phóng lựu M79 tới tấp vào bờ, nơi anh Hoàng đang giương khẩu B41. Bỗng anh nghe một tiếng nổ kinh hồn ngay trước mặt. Đó là tiếng nổ từ một trái M79 bắn trúng phóc ngay trái B41 đang đặt trên vai của anh. Thế là anh bị miểng đạn M79 làm mù con mắt phải, hai cánh tay chảy máu đầm đìa và cuối cùng phải cưa đến gần cù chỏ!
Giữa năm 1973, anh thương binh Nguyễn Văn Hoàng trở lại quê nhà Phước Hiệp, tiếp tục chiến đấu. Quãng thời gian này, anh quen chị Sải cũng cùng tuổi với anh, và hai người đã đi đến hôn nhân. Anh Hoàng kể: “Vợ chồng tụi tôi không có… cục đất để chọi chim. Sau giải phóng, thấy hoàn cảnh gia đình tôi quá neo đơn, xã cấp cho 3 công đất, nhưng đất hoang hóa chớ đâu thành vườn tược như bây giờ.
Anh Hoàng và chị Sải đã có ba mặt con, một trai, hai gái, cuộc sống vô cùng vất vả. Anh chị phải đối phó với nạn đói năm 1978-1979. Lúc đó, ngày ngày lẫn những đêm có trăng, người ta đều thấy anh Hoàng làm cỏ, dọn đất để sau đó chị Sải một tay cấy lúa, gặt, thu hoạch…Mảnh ruộng kia sau này anh lên vườn, trồng dừa, cây ăn trái, nhiều năm nuôi tôm càng xanh dưới mương vườn. Khi mùa trái cây chín, anh vác cây sào, tự mình hái trái thật tài tình. Trên khu vườn này, từ tiền dành dụm qua sản xuất, từ lâu, vợ chồng người thương binh đã cất lên một ngôi nhà tươm tất, trước sân có nhiều cây kiểng. Hiện tại, anh Hoàng trồng cây ca cao xen trong vườn dừa. Cây ca cao ở vườn anh đã cho trái. Ba người con của anh đã trưởng thành, có vợ, có chồng. Anh Hoàng, chị Sải cũng đã có cháu nội, cháu ngoại để bồng bế. Người con trai trưởng của anh là Nguyễn Văn Hô, hiện là Phó Trưởng Công an xã Phước Hiệp.
Ở tuổi 62, tóc của anh Hoàng đã bạc nhiều nhưng anh vẫn còn làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp An Thới (Phước Hiệp), vẫn hoạt động năng nổ như thời trai trẻ, và khi con cháu đề huề, đêm đến, anh ngủ rất ngon, anh Hoàng nói. Hạnh phúc đó có được là nhờ từ ý chí và tình yêu thủy chung, vượt lên tất cả của đôi vợ chồng chỉ còn có một bàn tay.

Phan Lữ Hoàng Hà

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN