Thẳng thắn và không né tránh hạn chế

25/11/2012 - 15:30

Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc quan trọng trong sinh hoạt Đảng. Quá trình quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về tự phê bình và phê bình theo 3 nội dung trọng tâm được định hướng trong Nghị quyết Trung ương 4 - khóa XI (NQTW4) là khâu quan trọng trong đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn và sâu sắc của toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị.

Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, phát huy vai trò và trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nhằm nâng cao sức chiến đấu của Đảng là công việc cấp bách hiện nay. Đó là những vấn đề quan trọng bởi có ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ và niềm tin của nhân dân.

Sau khi NQTW4 của Đảng được triển khai sâu rộng tại các cấp ủy địa phương, vấn đề đặt ra là khâu triển khai kiểm điểm tự phê bình và phê bình cần thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả? Phương châm nêu gương và phương thức tiến hành “trên trước, dưới sau” được Tỉnh ủy quán triệt từ trên xuống dưới. Tỉnh ủy đã thực hiện tinh thần mở rộng các thành phần đóng góp ý kiến cho tập thể và từng đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy (BTVTU). Không chỉ có ý kiến của các cơ quan Trung ương, các cơ quan, ban, ngành tỉnh, mà còn có ý kiến của cá nhân các đồng chí cán bộ hưu trí, lãnh đạo tỉnh qua các nhiệm kỳ và góp ý của tổ chức đảng nơi cư trú. Sự đóng góp mang tính đa chiều, nhiều góc độ trên cơ sở vận dụng nguyên tắc tập trung dân chủ và các qui định của Đảng, Nhà nước đã tạo nên không khí cởi mở, thẳng thắn vì sự nghiệp chung. Được cấp trên góp ý, được các cấp ủy , tổ chức, cơ quan góp ý, được cán bộ và nhân dân góp ý và hiến kế, tập thể và cá nhân từng thành viên BTVTU chân thành tiếp thu, đặc biệt là những hạn chế về 3 nội dung mà NQTW4 đã định hướng. Trong quá trình kiểm điểm, tự phê bình đối với cá nhân từng đồng chí trong BTV, không khí phân tích, thảo luận khi góp ý có lúc “nóng” bởi cần thiết phải tranh luận, làm rõ từng vấn đề thực trạng, nguyên nhân, giải pháp khắc phục hạn chế. Tinh thần thẳng thắn để xây dựng, không ngại va chạm, không né tránh hạn chế và cả các giải pháp “trị bệnh cứu người” là những yếu tố tạo nên hiệu quả tự phê bình và phê bình đúng thực chất. Nhiều đồng chí trong BTV chủ động bổ sung, chỉnh sửa bản tự kiểm nhiều lần do nhận thức được trách nhiệm của mình qua phân tích những hạn chế của tập thể.

Với tinh thần tự phê bình không phải là báo cáo thành tích, BTVTU khẳng định những thành tựu của toàn Đảng bộ địa phương nói chung, trong đó có vai trò hạt nhân, then chốt qua quá trình thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo chính trị của Tỉnh ủy từ đầu nhiệm kỳ (khóa IX Đảng bộ tỉnh) đến nay. Thành tựu đó thể hiện trên cả 3 lĩnh vực. Công tác quán triệt, triển khai các Nghị quyết của TW, Tỉnh ủy thường xuyên, đi vào chiều sâu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, quan tâm đến chất lượng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Việc lãnh đạo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong công tác cán bộ được bảo đảm; không để xảy ra tình trạng độc đoán, gia trưởng, cục bộ địa phương trong đánh giá, qui hoạch, đề bạt, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt các sở, ban, ngành và các địa phương… Đây chính là thành quả của quá trình tập trung xây dựng hệ thống chính trị, là cơ sở để “chống”, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, suy thoái làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.

Có hay không hiện tượng cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, suy giảm ý chí chiến đấu? BTVTU qua tự phê bình, phê bình, qua phân tích, làm rõ bằng thực tế các vụ việc cụ thể đã thẳng thắn chỉ rõ: trong Đảng bộ có hiện tượng như vậy! Để xảy ra tình trạng trên, có khuyết điểm của BTV. Thực tế, trong Đảng bộ vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên giảm sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có trường hợp vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, lại có người vì bệnh thành tích mà báo cáo không trung thực, hoặc vì vụ lợi cá nhân kéo dài mà vi phạm các qui định của Đảng, Nhà nước, thậm chí có trường hợp cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý, là người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhưng không nêu gương trong thực hiện qui định, qui chế dẫn đến kỷ luật, kỷ cương không nghiêm, nội bộ mất đoàn kết. Để xảy ra những hiện tượng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó BTVTU thẳng thắn, dũng cảm nhận thiếu sót vì chưa theo dõi sát tình hình, có khi chậm phát hiện và chưa kiên quyết chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý kịp thời.

Tinh thần thẳng thắn, không né tránh hạn chế, khuyết điểm trong quá trình tự phê bình của tập thể và cá nhân BTVTU vừa qua đã thể hiện đúng tinh thần mà NQTW4 (khóa XI) định hướng. Tại Hội nghị báo cáo kết quả tự phê bình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nhấn mạnh và nêu vấn đề: Kết quả qua tự phê bình mới chỉ là bước đầu trong thực hiện NQTW4. Song vấn đề là ở chỗ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ có được nâng lên hay không? Niềm tin của nhân dân có được củng cố hay không? Hiệu quả cuối cùng của đợt sinh hoạt chính trị theo tinh thần NQTW4 phụ thuộc vào sự nghiêm khắc và quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, hạn chế qua tự phê bình và phê bình của các cấp ủy và mỗi đảng viên trong toàn Đảng bộ. Từ đó, tổ chức đảng và đảng viên trong sạch hơn, mạnh mẽ hơn, sức chiến đấu hiệu quả hơn là tiền đề cho việc lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương năm 2012 và các năm tiếp theo.

Hiện nay, các tổ chức cơ sở đảng đang tiến hành đồng loạt việc tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo 3 nội dung trọng tâm của NQTW4. Công tác quan trọng này có đạt hiệu quả và đúng thực chất hay không phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm, cái tài của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tại tổ chức, đơn vị. Thẳng thắn, trung thực, chân thành là những điều cần thiết khi kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đúng như Hồ Chủ tịch, đã căn dặn: “Luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình”.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN