Thăng-trầm loại hình văn nghệ “Hát với nhau nghe”

17/11/2009 - 09:09
Đến ca hát và vui chơi tại quán Trùng Dương. Ảnh: Q.H

Như một quy luật “thăng-trầm” diễn ra trong các phong trào quần chúng, khi có phong trào nền, phong trào cơ sở phát triển thì sẽ dần dần hình thành đỉnh cao và ngược lại. Phong trào văn nghệ quần chúng – Hát với nhau nghe ở Bến Tre trong những năm qua cũng không ngoài quy luật này.

Đây không chỉ là loại hình văn nghệ được giới trẻ yêu thích mà còn được cả lứa tuổi trung niên nhiệt tình tham gia. Theo đánh giá của một số cán bộ tỉnh, đỉnh cao của phong trào này là vào những năm 2006-2007, sau đó tạm lắng xuống và cho đến nay loại hình nghệ thuật này đang được “nhóm” dậy. Tuy nhiên, trong thời gian qua hầu hết các tụ điểm hát với nhau nghe đều mang tính tự phát.
Nói đến phong trào, nhất là phong trào văn nghệ quần chúng thì yếu tố then chốt quyết định thành công, chính là sự tham gia ngày càng đông đảo, tích cực của các tầng lớp nhân dân. Theo thông tin từ Phòng Nghiệp vụ, thuộc Trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh, loại hình văn nghệ quần chúng – Hát với nhau nghe ở các huyện đều hình thành một cách tự phát, mỗi huyện có từ một vài cho đến khoảng một chục tụ điểm hoạt động, do cá nhân tự bỏ vốn đầu tư. Các tụ điểm này hoạt độỉng dưới sự quản lý của cơ quan chức năng về nội dung và hình thức. Được biết, Châu Thành là một trong những huyện có phong trào hát với nhau nghe phát triển mạnh, nhưng những năm gần đây thì phong trào này đã không còn như trước. Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện Châu Thành Nguyễn Văn Sáu cho biết: “Cách đây khoảng 3 năm, phong trào hát với nhau nghe hoạt động rất mạnh trên địa bàn, phần lớn do người dân tự đứng ra tổ chức. Nhưng hiện tại thì phong trào đã tạm lắng xuống, chỉ còn khoảng 2 điểm hoạt động, giảm 6 điểm so với trước kia. Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ quán đầu tư trang thiết bị chưa tốt, nội dung không phong phú… Kế đến là do phát triển nhiều loại hình vui chơi giải trí khác, thu hút giới trẻ tham gia như trò chơi game online, các quán bar… Trong thời gian tới, để thu hút người dân địa phương tham gia hoạt động văn nghệ quần chúng, Trung tâm Văn hóa huyện sẽ phối hợp với Huyện Đoàn và UBND các xã, thị trấn mở một số câu lạc bộ: khiêu vũ, hát với nhau nghe, đàn ca tài tử… mà lực lượng nòng cốt là đoàn viên thanh niên”. Có mặt tại quán Trùng Dương (tụ điểm hát với nhau nghe – ở ấp Phước Lễ, xã Thành Triệu, huyện Châu Thành, nằm cách thành phố Bến Tre hơn 10km), chúng tôi mới cảm nhận được niềm đam mê ca hát của giới trẻ nơi đây. Bạn Trác Quang Vũ (30 tuổi, ở xã Tân Thạch) đi cùng nhóm bạn đến từ xã Tiên Long, Tân Thạch, bộc bạch: “Thay vì đi nhậu cuối tuần, bọn mình vào đây uống nước và ca hát vui chơi sau những ngày làm việc mệt nhọc. Tôi nghĩ đây là loại hình giải trí lành mạnh, rất thích hợp cho giới trẻ”. Là người có tâm hồn nghệ sĩ, yêu thích ca hát, anh Nguyễn Tấn Sĩ - chủ quán Trùng Dương cho biết: “Thấy được nhu cầu của giới trẻ đang “khát” loại hình nghệ thuật ca hát nên tôi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này từ đầu năm 2009. Để thu hút được “thượng đế” tôi đã bỏ ra khoảng 800 triệu đồng để trang bị dàn âm thanh, ánh sáng chất lượng tốt và sân khấu đẹp mắt. Quán phục vụ nước giải khát, hoạt động hát với nhau vào mỗi tối thứ bảy hàng tuần. Mỗi đêm thu hút khoảng 200 khách, trong đó có cả thanh niên và trung niên ở tại địa phương, các xã lân cận”. Thực tế cho thấy được hát và nghe hát là nhu cầu rất lớn không chỉ trong giới trẻ ngày nay mà còn ở tầng lớp trung niên. Chị Dương Thị Thúy Phượng (44 tuổi, ngụ phường Phú Khương, TP.Bến Tre) chia sẻ: Sau một ngày làm việc mệt nhọc, đây là thời gian để chúng tôi thư giãn cùng với bạn bè bằng những điệu nhạc, bài hát. Đến đây, chúng tôi cảm thấy mình trẻ hơn, vui hơn khi thả hồn vào những bài hát trữ tình…
Phong trào văn nghệ quần chúng – hát với nhau nghe cũng như các loại hình nghệ thuật khác, mang đến cho người thưởng thức nhiều thông điệp: tình yêu, cuộc sống, con người… Để tạo điều kiện cho phong trào văn nghệ này đi vào chiều sâu và nâng cao chất lượng, theo ông Lư Văn Hội – Chánh Văn phòng Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, các ngành chức năng cần có một hoạch định phát triển, tạo lực lượng nòng cốt để giữ vững phong trào, đừng để nó phát triển một cách “tự phát”, sau một thời gian nó lại “tự tắt”. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần kết hợp với nhau, giữa trung tâm văn hóa và chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho loại hình văn nghệ này được phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức.

Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN