Thành công từ việc ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật vào vườn cây ăn trái

15/10/2010 - 08:16
Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be (bên trái) tham quan trái cây trong Ngày hội Cây - trái ngon, an toàn tại Chợ Lách.

Chợ Lách hiện có 12.510ha đất nông nghiệp; trong đó, cây ăn trái chiếm diện tích 11.508ha, gồm các loại đặc sản như: nhãn, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bưởi, cam, quít, bòn bon, vú sữa…, với sản lượng khoảng 137.000 tấn/năm.

Ngoài ra, hàng năm, huyện còn sản xuất khoảng 17 triệu cây giống, 5 triệu cây hoa kiểng. Điều gì đã làm cho Chợ Lách phát triển nhanh và ổn định trong thời gian qua? Đó chính là nhờ việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cùng với sự cần cù, sáng tạo của nông dân. Sau đây, chúng tôi xin lược ghi ý kiến tham luận của Thạc sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN&PTNT Chợ Lách, tại lớp tập huấn Nâng cao nhận thức về khoa học, công nghệ cho cán bộ Đoàn các tỉnh ĐBSCL, do Trung ương Đoàn phối hợp Tỉnh Đoàn Bến Tre tổ chức mới đây.

Từ lĩnh vực sản xuất cây giống, hoa kiểng

Hiện nay, phần lớn các hộ sản xuất cây giống, hoa kiểng đều áp dụng kỹ thuật nuôi gốc ghép bằng túi ni-lông, ghép bằng mắt ghép xương và nuôi dưỡng trong nhà che mát thích hợp thay thế hoàn toàn kỹ thuật nhân giống truyền thống là nuôi gốc ghép ngoài vườn ươm và ghép tại chỗ bằng mắt ghép da. Người sản xuất ứng dụng nhanh là do kỹ thuật mới dễ làm hơn, số lượng cây sản xuất nhanh hơn, giá thành rẻ, chất lượng tốt hơn. Sản lượng cây giống do áp dụng kỹ thuật sản xuất mới tăng đáng kể, từ chưa đầy 1 triệu cây/năm, nay tăng lên 20 triệu cây/năm. Việc quản lý gốc ghép, mắt ghép, dịch bệnh trong vườn sản xuất giống cũng được áp dụng kỹ thuật đã góp phần nâng cao chất lượng cây giống. Giống cây ăn trái có chất lượng ngày càng cao, được các nhà khoa học tuyển chọn từ nhiều nguồn để giới thiệu cho người trồng như: sầu riêng Ri6, sầu riêng cơm vàng hạt lép Chín Hóa, sầu riêng Mongthon, chôm chôm nhãn, chôm chôm Roongrean, nhãn xuồng cơm vàng, mận An Phước, bưởi da xanh, bòn bon Thái, cam xoàn, vú sữa Lò Rèn, ổi không hạt, mít nghệ… Các loại giống mới này đã thay thế các giống cây trái cũ kém chất lượng.

Khách hàng chọn mua cây giống tốt ở Chợ Lách.

… Đến việc ứng dụng thành công nghiên cứu khoa học

Từ năm 1999, chôm chôm liên tục bị mất mùa, do không đậu trái. Nhiều nhà vườn chuyển sang trồng các loại cây trái khác. Các nghiên cứu khoa học - kỹ thuật đã tìm ra nguyên nhân chính của việc không đậu trái là do thiếu phấn hoa đực; đồng thời, cũng tìm ra chất điều hòa sinh trưởng có tác dụng chuyển hoa chôm chôm cái thành hoa chôm chôm đực. Các nhà chuyên môn đã nghiên cứu tạo ra chế phẩm thích hợp để ứng dụng rộng rãi vào thực tế. Kết quả, nhờ vào sản phẩm Ramale của Chợ Lách, chôm chôm không còn sợ bị mất mùa. Thế nhưng, khi được mùa thì xảy ra tình trạng rớt giá. Vậy là việc nghiên cứu xử lý ra hoa trái vụ được đặc biệt quan tâm. Biện pháp kỹ thuật rải vụ bằng cách tạo ra khô hạn trong mùa mưa, với kỹ thuật phủ ni-lông trên mặt liếp để xử lý ra hoa, đã tạo nên kết quả khả quan.

Hiện nay, cây trái Chợ Lách đã cho trái quanh năm, sản lượng ổn định, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Năm 2000, huyện cũng đã nghiên cứu thành công việc tìm ra nồng độ xử lý nhãn ra hoa  bằng Potassium Chlorate, với kỹ thuật tưới và phun, không ảnh hưởng đến đất đai, môi trường. Kỹ thuật trồng ngày càng được hoàn thiện hơn, giúp cho cây sớm có trái, chất lượng trái cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các loại cây trồng như: măng cụt, xoài, sầu riêng, bòn bon… được áp dụng kỹ thuật mới, nên thời gian cho trái nhanh hơn. Quá trình thay đổi giống mới không còn được thực hiện bằng cách đốn cây trồng cũ, mà bằng phương pháp ghép mắt ghép lên thân cây muốn thay giống (chỉ sau một năm là cho thu hoạch ngay). Còn muốn thay giống khác chủng loại thì có những phương pháp trồng xen hợp lý.

Nghiên cứu khoa học ứng dụng là một trong những mục tiêu hàng đầu để hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Điều tiết mùa vụ, sản xuất cây trái theo nhu cầu của thị trường là thành công bước đầu trong việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Tuy nhiên, các nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ hiện còn đối mặt với nhiều thách thức như: nghiên cứu khắc phục hiện tượng sượng trái, xì mủ trên cây măng cụt, sầu riêng; phòng trừ bệnh Phytophthora trên cây sầu riêng bằng biện pháp sinh học; sản xuất trái cây chất lượng cao, an toàn; quản lý dịch hại trong vườn; chế biến trái cây, các sản phẩm nước uống, các loại trái sấy khô, mứt trái cây có nhiều hạn chế...

Hữu Hiệp (ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích