07/07/2021 - 19:44
 

"Thanh lá"

"Thanh lá"
"Thanh lá"

Nhiều người dân xã Long Thới, huyện Chợ Lách biết đến “Thanh Lá” như một điển hình của cuộc ngược dòng thoát nghèo ngoạn mục. Nhà nghèo, đông anh em, cha mẹ chỉ cho anh 1 công đất lập nghiệp. Những năm 1998, 1999, khi nông dân Chợ Lách chủ yếu là trồng cây ăn trái, hoa kiểng, chàng trai trẻ Đặng Văn Thanh cũng vậy. Khi đó, những loại cây như cau vàng, nguyệt quế chỉ đơn thuần là các loại cây trồng làm cảnh trong vườn nhà, giá trị không lớn.

"Thanh lá"

Với một công đất thì làm được gì để hết nghèo, khi mà trái cây thì khó tránh khỏi tình trạng “được mùa, mất giá”. Còn hoa kiểng thì cao điểm chỉ có vụ Tết, dồn sức chăm chút cho cái cây, người mua về chưng rồi thôi, không tăng số lượng hơn.

Nhờ có khiếu thẩm mỹ, lại khéo tay, thích cắm hoa, nên khi trong nhà có đám tiệc hay trong các sự kiện của đoàn thể ở xã, anh Thanh đều xung phong nhận việc bày trí. Những lần như vậy, anh thường cắt lá ở vườn đệm vào thêm cho đẹp, từ đó nảy sinh trong suy nghĩ của người nông dân trẻ tuổi một ý tưởng “thay vì để cây làm kiểng, sao không thử tìm cách bán lá để cắm hoa”.

"Thanh lá"

Chuyến đi của anh Thanh lên TP. Hồ Chí Minh những năm 2000 khi đó chính là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp. Mạnh dạn vào một cửa hàng bán hoa thuộc loại khá lớn, anh đặt vấn đề với chủ tiệm về việc dùng lá đệm chung với hoa. Tất nhiên lúc ấy, ý tưởng “lạ lùng” của anh không được đón nhận. Người thanh niên trẻ không bỏ cuộc, anh giữ liên lạc với cửa hàng hoa, gửi hình chụp những bình hoa có đệm lá do chính tay anh làm kèm theo hàng mẫu để chào bán.

"Thanh lá"

Theo cách làm của anh Thanh, tiệm hoa bắt đầu dùng lá cắm đệm vào chung với hoa, ai dè rất được khách hàng ưa chuộng. Đơn đặt hàng tăng liên tục, có bao nhiêu tiền, anh Thanh đầu tư đi mua cây về trồng, mướn thêm đất để làm, bắt đầu “chuyến phiêu lưu” với lá.

"Thanh lá"

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Lách Ngô Văn Trang cho biết, cây cau vàng chỉ bán bụi để làm cây cảnh chưng, nhưng từ khi anh Thanh khai phá ra việc cắt lá bán thì trở nên có giá trị hẳn. Cùng một diện tích trồng xen cau vàng, rải phân dừa thì cau vàng đồng thời được hưởng lợi. Ở các vườn cây ăn trái khác cũng có thể trồng xen cau vàng, cùng các loại kiểng lá khác như nguyệt quới thái, đinh lăng, phát tài lá sọc, trúc đốm... những loại lá dùng để chưng bông, cắm bông. Một hướng đi mới mở ra cho nghề làm kiểng, không chỉ ở Chợ Lách mà lan rộng nhiều nơi.

"Thanh lá"

Từ khi anh Thanh mở rộng sản xuất và thu mua lá khắp nơi, nhiều người bắt đầu chú ý tới cái nghề độc đáo này. Lúc đó, nhiều người cũng chưa hình dung được làm kiểng lá là như thế nào. Dần dần, anh Thanh chỉ cách làm, hỗ trợ làm cho bà con địa phương. Đến năm 2004, anh thành lập được Tổ nghề kiểng lá đầu tiên ở xã Long Thới, với 13 thành viên.

Đối với người nông dân thì phải “tai nghe mắt thấy”, anh Thanh nhận ra được kinh nghiệm này nên trước khi thành lập các tổ trồng lá ở những nơi khác thì việc đầu tiên là anh đi đến tận nơi, hỗ trợ cây giống cho người trồng thử, hướng dẫn cách chăm sóc, quy cách cắt lá, thu hoạch và bao tiêu đầu ra. Một thời gian hoạt động hiệu quả, anh mới mời bà con vào tổ, thành lập mạng lưới các đại lý thu mua lá ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Từng chiếc lá cắt bán từ vài trăm đồng đến vài ngàn đồng. Ban đầu tưởng có vẻ ít ỏi nhưng thu hoạch số lượng nhiều. Hàng tháng, kiểng lá đã đem lại nguồn thu đáng kể cho chính gia đình anh và nhiều lao động ở địa phương.

"Thanh lá"

Đến nay, hơn 20 năm làm nghề, “Thanh Lá” đã hình thành được các đầu mối thu mua tại các huyện, thành phố trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, một số tỉnh miền Trung và phía Bắc. Việc tập kết lá, kiểm đếm, đóng kiện được thực hiện tại các đầu mối này, giúp anh tiết kiệm được chi phí vận hành đội ngũ quản lý, mặt bằng.

Người đi tiên phong là người dám tự mở lối mới cho chính mình. Với “Thanh Lá” cũng vậy, khai phá một hướng đi hoàn toàn mới cho kiểng lá, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm. Từ thực tiễn, anh nghiên cứu tìm tòi cách trồng cho đến cách bảo quản, đóng gói, vận chuyển lá. Cho đến khi thành lập một doanh nghiệp hẳn hoi cho riêng mình, anh lại tiếp tục học cách quản lý, vận hành doanh nghiệp.

"Thanh lá"

Mô hình trồng kiểng bán lá một thời gian đã trở thành mô hình “xóa đói giảm nghèo” hiệu quả của huyện Chợ Lách. Thoát nghèo và làm giàu từ lá, anh Đặng Văn Thanh nhiệt tình chia sẻ, lan tỏa cách làm của mình cho nhiều người, nhất là việc phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Cựu Chiến binh, Hội Nông dân...) bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ cây giống, gởi nuôi cây lá tỉa lấy lá bán gây quỹ cho các hoạt động giúp cho đoàn viên, thanh niên làm kinh tế, có thêm thu nhập.

“Tôi cảm thấy niềm vui vì mình cũng đã góp được một phần nhỏ cho quê hương, cải thiện cuộc sống cho bà con nông dân, giúp họ vượt qua khó khăn. Mô hình này tận dụng không gian trống trong vườn, lại dễ làm, không đòi hỏi trình độ, phù hợp với đa số người nông dân”, anh Đặng Văn Thanh bày tỏ.

"Thanh lá"

Ngoài kiểng lá, anh Thanh còn mở rộng kinh doanh cây giống, hoa kiểng khác, xuất khẩu các nước, nhập và nghiên cứu các giống lá mới.

"Thanh lá"

Theo nhận định của các chuyên gia, nông dân Chợ Lách đang có xu hướng quay lại với nghề kiểng lá khi thị trường cây giống có dấu hiệu bão hòa sau đợt chuyển đổi từ cây ăn trái sang cây giống do ảnh hưởng bởi hạn mặn. Kiểng lá bước đầu tạo được lợi thế, với nhiều ưu điểm và tiềm năng để phát triển, đồng thời tận dụng được không gian, giảm sự lãng phí trong quá trình sản xuất của nông dân.

Chia sẻ về điều này, anh Thanh cho biết khi chăm sóc cây dừa, cây ăn trái nếu thừa phân thì trôi xuống ao, mương. Do vậy, nếu trồng xen cây kiểng lá thì góp phần tiết kiệm được chi phí, giữ được nguồn dinh dưỡng và đất trong vườn, lại đỡ tốn công làm cỏ. Các cây về lâu dài cũng có thể bán được cây làm cây cảnh. Lá cắm hoa không đòi hỏi phải là loại gì quý hiếm mà chủ yếu cần tươi lâu, thích hợp tầng đất trống để trồng. Cây kiểng lá cộng sinh trong vườn cây ăn trái cũng đạt hiệu quả. Có thể nói, tất cả các vườn cây đều xen được kiểng lá, khảo sát cho thấy khoảng 70% các loại cây lá chịu bóng mát râm.

"Thanh lá"

Cùng với những dòng lá quen thuộc (trúc đốm, cau vàng, đinh lăng, nguyệt quế, phát tài sọc, lá cọ...), anh “Thanh Lá” cũng mở rộng nghiên cứu thêm những dòng lá mới cao cấp, đáp ứng tiêu chuẩn cho những sản phẩm cắm hoa đòi hỏi tính nghệ thuật, giá thành cao. Đó là tùng hoàng kim, vĩ cầm, kim giao và một số loại lá có mùi thơm, giữ độ tươi xanh lâu... đang ngày càng được các thị trường lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội ưa chuộng.

"Thanh lá"

Với kinh nghiệm, kiến thức được tích lũy qua hơn hai mươi năm gắn bó, tin rằng thương hiệu, uy tín “Thanh Lá” sẽ tiếp tục vươn xa, góp phần làm phong phú, đa dạng nghề hoa kiểng của vùng đất “cây lành trái ngọt”.

"Thanh lá"