Thanh niên xung phong ngày ấy – hôm nay

01/05/2009 - 12:10

Chủ tịch Hội Cựu TNXP Phạm Hữu Thừa trong một buổi khảo sát.

Họ là người tiên phong trong việc đảm nhận những công việc nặng nhọc, nguy hiểm như mở đường, bắc cầu, đào hầm hào, đưa bộ đội qua sông, tải đạn ra chiến trường. Xong trận, họ phải hoàn thành nhiệm vụ chuyển thương binh, tử sĩ, thu dọn trận địa…

“Bến Tre là một trong những tỉnh có lực lượng TNXP đông nhất miền Nam lúc bấy giờ!”, ông Phạm Hữu Thừa – Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh khẳng định. Từ năm 1965 mãi cho đến giờ phút thiêng liêng - ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng không một trận đánh nào thiếu vắng họ. Đất nước hòa bình cũng là lúc tổ chức giải thể. Trong số họ không ít người đã để lại một phần hoặc trọn vẹn cả thân thể trên tỉnh bạn, nơi có chiến sự đi qua. Còn những người được trở về với quê hương, có người lành lặn là hạnh phúc lắm, cũng có người mang thương tật nặng nề, và ít ai còn lưu giữ được hồ sơ ghi nhận chiến công trong chiến đấu.

Đã hơn ba mươi năm, ba mươi lần 30-4 trôi qua, năm 2007, một tổ chức quần chúng mang tên Hội Cựu TNXP được thành lập nhằm truy tìm hài cốt, tìm kiếm tập hợp đồng đội, để giải quyết chính sách và hỗ trợ phần nào về đời sống vật chất lẫn tinh thần cho đối tượng là cựu TNXP. Sau gần hai năm Hội tích cực hoạt động, công lao của tất cả họ cũng đang dần được lật lại. Hội đã truy tìm được 16 hài cốt từ các tỉnh bạn như Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Campuchia… đã tìm được trên 700 đồng đội, nhiều nhất là hai huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm. Đồng thời, Hội giải quyết các chế độ chính sách cho nhiều người lâm vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, không nơi nương tựa. Đã có 16 trường hợp được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên hàng tháng, 140 trường hợp được hưởng chế độ một lần. Chủ tịch Hội - ông Phạm Hữu Thừa vui mừng khi kết quả tìm kiếm đồng đội TNXP đang phát hiện số lượng đông hơn gấp 2 đến 3 lần.

Xúc động nào bằng hình ảnh những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi ngày nào đã âm thầm hy sinh tình yêu cho sự nghiệp toàn thắng của đất nước. Để hôm nay, những câu chuyện về họ được gợi lại đẹp và thấm đẫm nước mắt. Hội Cựu TNXP đã tập hợp những người đồng đội của anh Hải Bằng và chị Thủy Đẹp để gợi nhớ một chuyện tình chôn sâu dưới lòng đất theo hai người liệt sĩ ấy đã mấy mươi năm. Họ thầm yêu nhau và hứa hẹn đến ngày hòa bình tình yêu mới đơm hoa. Nhưng bom đạn tàn khốc đã lần lượt cướp đi hai “mầm xanh”. Lý tưởng chung cao đẹp đã ngăn cản họ kết hôn khi còn sống. Hôm nay, những đồng đội họ và hai phía gia đình đã trân trọng hình ảnh đẹp đó bằng tất cả việc làm có thể. Hai bên gia đình đã tiến hành lễ “kết hôn” cho hai người là liệt sĩ. Câu chuyện đã làm rơi nước mắt của biết bao người chứng kiến, làm ấm lại nghĩa tình bao nhiêu năm nguội lạnh và làm sống lại một chuyện tình đẹp của hai người đã mất.

Chuyện của Thắm cũng lung linh màu huyền thoại. Thắm hy sinh ở chiến trường Campuchia khi con vừa tròn 1 tháng tuổi. Thắm có chồng và một đứa con đang ở miền Bắc. Điều này chỉ được biết mãi đến khi hài cốt Thắm được tìm thấy. Lá thư Thắm viết dự tính gửi cho chồng được gói kín trong lớp mủ nylon chưa kịp gửi đi trước lúc hy sinh đến hôm nay khi tìm thấy nó vẫn còn nguyên rõ nội dung. Lá thư tồn tại như một minh chứng thiêng liêng giúp cháu (con của Thắm) gặp gỡ ông bà ngoại và đứa con rể (chồng Thắm) được hội ngộ cùng gia đình vợ ở miền Nam.

Hội còn tổ chức thăm viếng tặng quà cho gia đình thanh niên xung phong vào những dịp lễ, Tết. Mỗi phần quà trị giá khoảng 200 ngàn đồng cùng với một số hiện vật như gạo, nước mắm, dầu ăn… Mấy mươi năm, cuộc sống bận rộn, lo toan của hiện tại đã cuốn đi nỗi đau, mất  mát của các anh, các chị chìm theo vào quá khứ. Giờ được ôn lại, gia đình đoàn tụ, đồng đội gặp gỡ, tình cảm bất chợt được hâm nóng. Nhiều cựu thanh niên xung phong không nén được nỗi xúc động đã thốt lên: “Không uổng công chúng tôi và đồng đội đã hy sinh để đánh đổi vì màu cờ độc lập của Tổ quốc!”

Tôi nhận ra cảm xúc thật sự của chính người cựu thanh niên xung phong đã sống hết mình cho đồng đội. Đôi mắt ông Phạm Hữu Thừa ngân ngấn nước, ông bộc bạch  từng lời tâm huyết: “Trong hạnh phúc của chúng ta có phần xương máu của anh em. Trách nhiệm của chúng ta hôm nay là phải biết chia sẻ. Nghĩa tình đồng đội lớn lao đã tăng thêm sức mạnh và nhắc nhở cho anh em trong Hội luôn phấn đấu hết mình trong việc truy tìm hài cốt đồng đội và cả việc tập hợp người còn sống để giải quyết chế độ chính sách. Đó là vì sao tất cả thành viên của Hội từ tỉnh đến cơ sở đều quyết tâm làm việc trong mọi khó khăn. Thậm chí họ sẵn sàng hy sinh cả lợi ích, thời gian riêng tư ở gia đình để phục vụ cho công việc Hội. Còn số tiền bồi dưỡng nhận được chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, các thành viên của Hội cũng nhất trí gửi lại làm Quỹ Hội chi vào các dịp đi thăm nom các hội viên nghèo khó, bệnh tật. Nếu nghĩ đến lương bổng, chức quyền thì Hội không thể làm được. Mọi tích cực của hoạt động Hội là đồng đội có mái ấm, có bữa cơm ngon…” Cả đời ông dâng cho Đảng cho dân, giờ phút nào còn sống, ông vẫn luôn nghĩ đến trọng trách lớn: “chia cơm sẻ áo” cùng đồng đội.

Đến nay, Hội đã quyên góp, vận động xây dựng được khoảng 40 “Mái ấm đồng đội” hay còn gọi là “Mái ấm 19-5” cho gia đình của cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa. Phía sau thành công của Hội trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với lực lượng thanh niên xung phong giai đoạn 1965-1975 của tỉnh là mối quan hệ  khắng khít, đồng lòng vì hoạt động đáp nghĩa của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bến Tre, từ người đương nhiệm đến nghỉ hưu, từ doanh nghiệp đến chính quyền, Đảng bộ địa phương và thanh niên cơ sở.

 Đối với đối tượng là thanh niên xung phong giai đoạn 1965-1975, nếu đã mất chứng từ, hồ sơ gốc thì Tỉnh Hội có thể xác nhận thay cho chứng từ gốc. Hiện Hội Cựu TNXP tỉnh đang tiếp tục tiến hành khảo sát phát hiện đối tượng cựu thanh niên xung phong để giải quyết chế độ chính sách, thực hiện đền ơn đáp nghĩa. Cuộc khảo sát tiến hành từ 15-4 đến 15-5-2009.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN