Thành phố Bến Tre đi tìm bản sắc của một đô thị

16/04/2010 - 09:01
Một góc thành phố Bến Tre (bên bờ sông Bến Tre). Ảnh: Hoàng VŨ

Thành phố Bến Tre là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh. Làm gì và làm như thế nào trong xây dựng và phát triển đô thị trong thời gian tới, để tạo nên bản sắc của vùng đất có hàng trăm năm tuổi này, trong thời kỳ hội nhập, là mối quan tâm của nhiều người, nhất là giới kiến trúc sư luôn tâm huyết, gắn bó và nặng lòng với Bến Tre. 

Trong quá trình tìm ra hướng đi để phát huy bản sắc đô thị, đa phần kiến trúc sư (KTS) đều đồng tình ở việc nhìn vào các yếu tố lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và các công trình văn hóa nổi bật, đặc trưng cho sắc thái riêng biệt của từng đô thị. Từ cách đặt vấn đề này, KTS Đoàn Viết Hồng - Chủ tịch Hội KTS Bến Tre, cho rằng: Các đô thị ở Bến Tre nói chung và thành phố Bến Tre nói riêng có 3 sắc thái đặc thù tiêu biểu. Thứ nhất là về thiên nhiên: Bến Tre là xứ sở của cù lao và sông nước; thành phố Bến Tre nằm cạnh sông Hàm Luông, có dòng sông Bến Tre uốn quanh tạo nên cảnh quan mát mẻ cho thành phố và bố cục cảnh quan thiên nhiên của một thế phong thủy mạch lạc, hữu tình. Thứ hai là về yếu tố lịch sử: Nói đến yếu tố này thì trước tiên cần phải đề cập đến truyền thống hiếu học và tinh thần bất khuất, yêu nước nồng nàn của con người Bến Tre; truyền thống đấu tranh hào hùng giữ nước, tiêu biểu là phong trào Đồng Khởi 1960. Chính từ bề dày lịch sử hàng trăm năm tuổi, Bến Tre đã có những công trình văn hóa - lịch sử tuy không lớn nhưng tiêu biểu, như: Đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Trung tướng Đồng Văn Cống... đó là yếu tố thứ ba. Ngoài ra, từ đặc thù tự nhiên, thổ nhưỡng, tập quán canh tác… cây dừa luôn là biểu tượng đặc trưng của Bến Tre. Các yếu tố này sẽ phải được khai thác, kết hợp hài hòa để đưa vào không gian đô thị, nhằm tạo nên bản sắc riêng, độc đáo của một thành phố Bến Tre.
Một số nhà nghiên cứu lý luận phê bình ở các nước phương Tây nhận định, để có thể hiểu về một khu vực cụ thể, chúng ta cần phải có những hồi ức về nó. Bản sắc chứa đựng các yếu tố như vị trí, hình dạng và sự khớp nối các đặc điểm đô thị... Như vậy, có thể nói “bản sắc đô thị” hay “bản sắc địa phương” là yếu tố nhận biết về những đặc trưng cơ bản mà địa phương này khác với địa phương khác. Để tránh việc phát triển đô thị ồ ạt, tự phát và thiếu kiểm soát, thiếu định hướng, làm phai nhạt dần bản sắc riêng của mình, Bến Tre luôn chú trọng việc phát triển đô thị theo hướng đặc thù, có bản sắc và quy hoạch xây dựng đô thị có định hướng nhằm khôi phục phần “hồn” mà nó đã được hình thành, phát triển trong nhiều thập kỷ qua. Trong giai đoạn (2005-2010) tốc độ đô thị hóa của Bến Tre khá nhanh, hàng loạt những công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng, khai thác, góp phần tạo nên bộ mặt mới cho tỉnh nhà. Theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn Bến Tre đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thì cần bố trí nguồn vốn cần thiết để hoàn thành việc lập quy hoạch chi tiết tại các đô thị, làm cơ sở để quản lý và kêu gọi đầu tư xây dựng phát triển.
Định hướng quy hoạch về hình ảnh đô thị Bến Tre “văn minh, xanh, sạch, đẹp và thân thiện” trong tương lai sẽ bao gồm phần nền cơ bản là khu vực cảnh quan kiến trúc thành phố hiện hữu được chỉnh trang, đầu tư nâng cấp và mở rộng về phía Nam thành phố. Đây cũng là thuộc tính đặc thù của sự phát triển các đô thị cũ có sẵn và cũng là sự thách đố  đối với các nhà thiết kế đô thị trong quá trình phát triển.  KTS Hồng cho biết, đô thị thành phố Bến Tre có nhiều ưu thế để phát triển, hình thành một thành phố đẹp. Thành phố Bến Tre có thể gọi là đô thị của vùng sông nước, hai con sông: Hàm Luông và Bến Tre đã tạo nên cảnh quan mặt nước quanh co uốn khúc tuyệt đẹp. Việc khai thác yếu tố mặt nước đúng mức sẽ tạo nên một sắc thái đặc trưng cho thành phố Bến Tre. Một số đô thị đẹp trên thế giới thường đi đôi với một dòng sông chảy qua, như: sông Volga ở Matxcơva, sông Seine ở Paris… Bên cạnh đó, dừa cũng có thể nói là loại cây xanh chủ đạo để tạo nên một đô thị xanh mang sắc thái riêng của Bến Tre. Hai là đô thị - văn hóa lịch sử: là trung tâm của vùng đất được hình thành hàng trăm năm qua đã được tô đậm nét son, bởi lịch sử hào hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, mà cho đến bây giờ vẫn còn nhiều di tích, công trình được tiếp tục đầu tư tôn tạo, bảo tồn. Ba là đô thị trung tâm của vùng công nghiệp còn non trẻ đang dần được hình thành, như: An Hiệp, Giao Long, Phước Long… Vấn đề hiện nay là cần được tiếp tục đầu tư nghiên cứu những giải pháp khả thi nối kết các không gian kiến trúc khu công nghiệp và khu dân cư, xây dựng thêm các tiện ích - hạ tầng kỹ thuật đạt tầm hiện đại và đồng bộ; đồng bộ về phương diện kết cấu hạ tầng lẫn lợi ích từ những công trình này mang lại.
Nói như KTS Viết Hồng thì kiến trúc là văn hóa. Cái đẹp trong kiến trúc không tách rời với môi trường và cuộc sống. Trong quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, thành phố Bến Tre luôn gắn với quy hoạch bảo tồn các di sản kiến trúc và di sản thiên nhiên của đô thị. Trong tương lai không xa, cùng với sự phát triển đi lên của tỉnh nhà, khu vực và đất nước, thành phố Bến Tre sẽ là một đô thị văn minh, hiện đại, có dáng vẻ riêng của thành phố với một vùng sông nước hiền hòa và đầy quyến rũ.

Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN