Sau hai năm được công nhận đạt chuẩn đô thị loại ba, nhất là từ khi công trình cầu Rạch Miễu hoàn thành, Thành phố Bến Tre có sự khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, thương mại, dịch vụ đang chiếm giữ thế mạnh hàng đầu với tỷ trọng trên 58% (năm 2008). Đây là tiền đề quan trọng cho sự phát triển đúng hướng của thành phố Bến Tre sau khi được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh.
Dù ảnh hưởng bởi tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu, sản xuất gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, sự cạnh tranh quyết liệt… song, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của thành phố Bến Tre 6 tháng đầu năm 2009 ước đạt gần 4.100 tỷ đồng (đạt mức tăng trưởng trên 14,5% so cùng kỳ năm trước). Có 3.300 hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể hoạt động dưới sự quản lý của ngành thuế. Theo đánh giá của Phòng Kinh tế Thành phố, các mặt hàng thuộc nhóm y tế, văn hóa, giáo dục, giải trí tăng mạnh nhất (từ 17 đến 22%). Con số này phần nào phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn ngày càng cao.
Trung tâm thương mại, chợ phường 3, siêu thị, tập đoàn G7, shop thời trang…đáp ứng tương đối nhu cầu mua sắm không chỉ cho người dân Thành phố mà còn mở rộng khắp các huyện và giao lưu với các tỉnh lân cận. Có thể nói, sự ra đời của các kênh phân phối hiện đại đã góp phần tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực bán lẻ. Bà Lê Thị Đỏ - Trưởng Phòng Kinh tế Thành phố nói: “Chính sự chuyển biến nhanh theo xu hướng kinh doanh hiện đại đã dần xóa đi những hạn chế của kinh doanh truyền thống như sự tự quyết giá cả, hàng gian hàng giả, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn hóa mua bán… Kể cả vùng sản xuất cũng được hình thành rõ nét”.
Vài năm gần đây, chợ đầu mối ra đời đặt tại phường 8. Chỉ tính lượng xe chở các mặt hàng nông - thủy sản, bình quân đã có từ 7 đến 10 xe (1,5-2 tấn hàng/xe) mỗi ngày, luân chuyển từ 15 đến 20 tấn hàng. Ngoài ra, còn có khoảng 5 xe trọng tải lớn vận chuyển hầu hết các mặt hàng có mặt trên thị trường tiêu thụ của tỉnh như vật liệu xây dựng, hàng gia dụng, điện máy… Như vậy, sức phân phối của chợ ít nhất từ 600 đến 1.000 tấn hàng/tháng.
Đầu năm 2009, thành phố đã đưa vào sử dụng chợ Sơn Đông, Bình Phú; các chợ trung tâm, chợ xã, phường được nâng cấp và sắp xếp trật tự nhằm khai thác hiệu quả mặt bằng chợ. Đồng thời, đang tiến hành khảo sát chọn mặt bằng, phương án xây dựng chợ Tú Điền, Mỹ Thạnh An.
Khu ăn uống hai bên đường tránh quốc lộ 60; khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng hiện có khoảng 5 điểm ở các xã: Mỹ Thạnh An, Phú Nhuận, Nhơn Thạnh ngày càng khởi sắc… Phấn khởi hơn, dịch vụ du lịch đã kịp thời đáp ứng nhu cầu cho du khách, lượng du khách nước ngoài đến tham quan thời gian qua tăng dần.
Trong xu hướng mở cửa hội nhập vào kinh tế toàn cầu, Thành phố đã tích cực đẩy mạnh xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu năm 2008 đạt trên 80 triệu đôla (tăng gần 43% so năm 2005). Nhiều sản phẩm đặc trưng của Bến Tre được chế biến tại Thành phố, đang mở rộng sang thị trường các nước như kẹo dừa, cơm dừa nạo sấy, thạch dừa, thảm chỉ xơ dừa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa, thủy sản chế biến… Theo ông Võ Thanh Hồng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố, hiện có nhiều công ty đã cải tiến quy trình sản xuất sản phẩm sạch, an toàn, theo tiêu chuẩn của các đối tác nước ngoài. Đây là một trong những giải pháp căn cơ nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho mặt hàng này, góp phần tăng nhanh giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Ông Võ Thanh Hồng cho biết thêm, hiện thành phố đang huy động nhiều gói kích cầu của Chính phủ để kích thích ngành thương mại, dịch vụ. Vừa qua, có trên 500 hộ và cơ sở kinh doanh được hưởng gói kích cầu giảm giãn thuế (gần 20 tỷ đồng) và gói hỗ trợ lãi suất (1,4 tỷ đồng).