Thạnh Phú: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

07/09/2018 - 08:37

BDK - Đến nay, sau 2 năm thực hiện Quyết định số 401 ngày 14-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 40 ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), huyện Thạnh Phú đã dành một phần ngân sách gồm 450 triệu đồng để chuyển sang Ngân hàng CSXH huyện, nâng tổng nguồn vốn địa phương ủy thác sang trên 4,4 tỷ đồng.

Giao dịch khách hàng tại điểm giao dịch xã của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: H. Trung

Giao dịch khách hàng tại điểm giao dịch xã của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: H. Trung

Ý nghĩa của hoạt động này nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn, nhất là hộ đăng ký trong đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững, tham gia xuất khẩu lao động.

Trao “cần câu”

Trong thời gian qua, việc tăng nguồn vốn đầu tư nâng cao hiệu quả vốn tín dụng CSXH góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới được xem là nhiệm vụ hàng đầu của Ngân hàng CSXH trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Ông Huỳnh Hiếu Trung - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho biết, tuy dòng vốn nhỏ nhưng len lỏi sâu vào tận khắp các ấp, khu phố, phù hợp với nhu cầu của người dân, đã góp phần khơi dậy tình đoàn kết, vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới. Hơn lúc nào hết, Ngân hàng CSXH đặt ra những mục tiêu và kỳ vọng cao hơn là kiến tạo động lực phát triển kinh tế bền vững cho nông thôn từ việc hỗ trợ kinh tế dài lâu như quan điểm của Đảng và Chính phủ là “cho cần câu chứ không cho con cá”.

Việc tổ chức có hiệu quả các chương trình tín dụng CSXH đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực. Năm 2016 - 2017, nguồn vốn vay góp phần tạo điều kiện tiếp cận đa dạng sinh kế, thoát nghèo cho 237 hộ và thoát hộ cận nghèo cho 246 hộ. Đến tháng 3-2018, toàn huyện có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tính đến ngày 31-8-2018, chương trình tín dụng hộ nghèo có dư nợ đạt hơn 103 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31% tổng dư nợ, với 4.010 hộ còn dư nợ. Chương trình tín dụng cận nghèo có dư nợ đạt hơn 40 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12% tổng dư nợ với 1.666 hộ còn dư nợ. Chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo bắt đầu thực hiện từ năm 2015, đến nay dư nợ đạt hơn 23 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12% tổng dư nợ, với 865 hộ còn dư nợ. Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với hơn 7.279 hộ vay vốn, giúp xây dựng được gần 4,8 tỷ công trình nước sạch.

Ngoài ra, các chương trình tín dụng học sinh, sinh viên dư nợ 14,4 tỷ đồng với hơn 730 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học. Chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở, dư nợ đạt 14,7 tỷ đồng, giúp 1.680 hộ nghèo có nơi an cư. Chương trình cho vay giải quyết việc làm có dư nợ đạt 9,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,97% tổng dư nợ, góp phần giúp cho hơn 542 lao động có việc làm…

Đưa vốn đến tay người thụ hưởng

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện gặp không ít khó khăn khi triển khai như biến động giá cả thị trường, tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan thay đổi bất thường… Tất cả đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, kinh doanh của người nghèo dẫn đến họ sẽ bị thiệt hại về vốn, làm cho họ càng khó khăn hơn.

Thời gian qua, khi hộ xảy ra các trường hợp trên, Ngân hàng CSXH huyện đã có cơ chế giảm thiểu gánh nặng cho hộ vay, nhất là đối tượng yếu thế, hộ nghèo. “Không chỉ riêng hộ nghèo mà tất cả các đối tượng thụ hưởng đã vay vốn tại Ngân hàng CSXH bị rủi ro do nguyên nhân khách quan đều có cơ chế xử lý. Hiện tại thì thực hiện theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg về xử lý nợ rủi ro tại Ngân hàng CSXH. Trước mắt hộ vay vốn phải báo mức độ thiệt hại do nguyên nhân khách quan đến ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn; ban quản lý tổ sẽ tiến hành các thủ tục và báo cáo cơ quan quản lý, cụ thể là đơn vị nhận ủy thác tại các xã, phường, thị trấn để xử lý theo quy định. Đây là việc làm rất nhân văn trong hoạt động tín dụng chính sách” - ông Hiếu Trung cho biết.

Định hướng hoạt động từ nay đến năm 2020, ông Huỳnh Hiếu Trung cho biết, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện sẽ nghiêm túc chấp hành theo các nghị quyết hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các cấp, văn bản chỉ đạo của Tổng giám đốc và các giám đốc ban thuộc Hội sở chính, trực tiếp là lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh. Phòng giao dịch huyện báo cáo và làm tốt công tác tham mưu với các cấp ủy, chính quyền địa phương về thực trạng tín dụng chính sách trên địa bàn.

Ngân hàng CSXH huyện phấn đấu mục tiêu tăng trưởng bình quân hàng năm thấp nhất là 10%; đồng thời, làm tốt các hoạt động tại điểm giao dịch xã, tiếp tục củng cố, kiện toàn ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay vốn theo cụm dân cư liền kề; làm tốt công tác phối hợp với tổ chức nhận ủy thác về các nội dung ủy thác; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đưa vốn đến tận tay đối tượng thụ hưởng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; tuyên truyền thật cặn kẽ về hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN