|
Sau khi thả đồng cho ăn, vịt được nhốt tại mương vườn. |
Mỗi sáng, trước lúc lùa vịt ra đồng cho ăn, chủ vịt thường chuẩn bị sẵn các thứ: cờ, bình nước, hộp cơm, bì thuốc lá, nếu “đã” hơn thì có thêm chiếc radio cà tàng. Ngày nối tiếp ngày, họ thả vịt đi từ cánh đồng này tới cánh đồng khác cho chúng ăn ốc, lúa đổ… với mục đích “lấy công làm lời”. Tại xã Hưng Nhượng (Giồng Trôm) có nhiều người đã trở nên khấm khá từ nuôi vịt thả đồng.
* Chủ bầy hơn 2.500 con vịt
Chúng tôi tìm đến nhà ông Hai Đực, ngụ tại ấp Tân Phước (xã Hưng Nhượng) đúng dịp lúa Đông - Xuân đang vào vụ thu hoạch. Ông Đực đang thả vịt cho ăn trên một cánh đồng thuộc xã Bình Thành (cách nhà ông khoảng 600m). Đứng trên bờ mẫu nhìn bầy vịt săn mồi, ông phì phà khói thuốc trông rất khoan khoái. Thường ngày, ông thả vịt trên các cánh đồng ở Hưng Nhượng và xã liền kề, như: Tân Thanh hoặc Bình Thành; nếu không có đồng trống thì nhốt vịt tại chòi cho chúng ăn lúa kẹ, rau muống, thức ăn. Mỗi sáng, sau khi cơm nước xong, ông Đực chuẩn bị các thứ: cờ (làm bằng cây trúc dài, có cột vải ở ngọn dùng để điều khiển vịt), nước uống, cơm, bao thuốc lá và chiếc radio nhỏ. Từ nhà, ông lùa vịt xuống kênh 9B (ấp Tân Phước - xã Hưng Nhượng), thả theo dòng nước rồi tới các đồng lúa vừa thu hoạch xong để chúng tìm thức ăn. Khi bầy vịt đã ổn định, ông tìm bóng cây ngồi quan sát, thanh thản hứng gió đồng mát rượi. Buổi trưa, khi vịt đã no nê, ông Đực nghỉ ngơi và mở radio thưởng thức chương trình ca cổ. Chiều, khi mặt trời sắp lặn, ông lùa vịt xuống kênh, men theo đường cũ về nhà.
Cưới vợ năm 19 tuổi, vợ chồng ông Hai Đực canh tác 5 công ruộng và nuôi vịt “chạy” đồng. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông Đực đã xây dựng được nhà cửa khang trang, cưới vợ, gả chồng và lo nhà cửa cho hai người con lớn xong. Hiện ông đang canh tác hơn một héc-ta đất, nuôi 4 bò nái và là chủ của đàn vịt hơn 2.500 con (trong đó, có 1.500 vịt đẻ và hơn 1.000 vịt tơ 5 tháng tuổi). Ông tâm sự: “Lúc đầu, tôi chỉ nuôi vài trăm con, sau đó thấy sống được nên nuôi nhiều hơn, luôn cả vịt đẻ lấy trứng. Nghề này tuy cực khổ, nhưng lượm bạc cắc vô đều đều mỗi ngày”. Với 1.500 vịt đẻ, mỗi ngày ông “lượm” trên 1.000 trứng loại 1 và có sẵn thương lái (là người bỏ mối thức ăn vịt) tới nhà thu mua trứng. Mọi việc, từ mua thức ăn cho đến bán trứng, giá cả đều do một tay vợ ông quán xuyến; mỗi tháng, giữa hai bên mua - bán cộng sổ một lần. Theo ông Đực, trước đây, vịt chỉ đẻ trong thời gian khoảng 3 đến 4 tháng; ngày nay thì vịt cho trứng nhiều hơn, thời gian đẻ trứng kéo dài từ 8 tháng đến cả năm nhờ được chăm sóc, bồi dưỡng đầy đủ .
Tôi hỏi: “Mấy ông chủ thường hay ngần ngại khi phải tiêm ngừa cúm cho vịt, vì sợ vịt mất sức. Còn ông thì sao?”. Ông Đực cười khà khà: “Nói thiệt với chú em, lúc mới tiêm ngừa thì vịt có bị “nhót” chút đỉnh. Mình chỉ việc kiếm rau muống hoặc rau lục bình xắt nhuyễn cho vịt ăn và bồi dưỡng thêm thức ăn, cho chúng tắm mát thì vịt lại sức liền, mạnh đùng luôn”.
* Tay lái máy xới, tay nuôi vịt
Cùng ngụ xã Hưng Nhượng có anh Nguyễn Văn Vũ, cũng là người nuôi vịt thịt thả đồng lâu năm. Quê ở xã Tân Thanh (Giồng Trôm), lúc mới 16 tuổi anh Vũ đã giúp cha chăn vịt trên đồng, sau đó anh cưới vợ rồi lập nghiệp tại đây. Anh chia sẻ: “Nuôi vịt thả đồng, chủ vịt phải ước lượng thời gian bắt vịt con về nuôi, để khi vịt được khoảng 20 ngày tuổi cũng là lúc lúa mới vừa gặt xong, bấy giờ người nuôi thả vịt ra đồng tìm mồi và khỏi phải tốn thức ăn nữa”. Mỗi năm, anh Vũ nuôi 3 đợt vịt thịt vào các vụ Đông - Xuân, Hè - Thu và Thu - Đông, mỗi đợt từ 300 đến 500 con. Lúc vịt còn nhỏ, anh nấu tấm cho chúng ăn hoặc dùng thức ăn sẵn trong bao. Khi vịt được khoảng 20 ngày tuổi, mỗi ngày anh lùa thả đồng hai lần sáng, chiều để chúng tự tìm thức ăn. Những lúc kẹt đồng (không có đồng trống), anh nhốt vịt dưới mương vườn.
Anh Vũ bộc bạch, để vịt không bị bệnh, người chăn nuôi cần phải chú ý cho chúng uống các loại thuốc ngừa như dịch tả, toi, nhiễm khuẩn đường ruột và tiêm phòng cúm theo hướng dẫn của cán bộ thú y; nếu chủ quan, lỡ như vịt bị bệnh hoặc bỏ ăn thì xem như là… đứt vốn. Theo anh Vũ, vịt thịt nuôi khoảng 60 đến 70 ngày thì đạt trọng lượng bình quân khoảng 2,4kg/con (có nhiều con đạt 2,7kg đến 2,8kg).
Do lấy công làm lời là chủ yếu nên đợt nuôi nào anh cũng đều có lãi. Chỉ cho tôi xem một chú vịt lông trắng sọc rằn đang đứng tỉa lông, anh Vũ cho biết: “Con này nặng trên 2,5kg. Những lúc vịt bán chạy, thương lái tới tranh giành nhau mua, không đủ vịt để bán. Thế nhưng, nông dân vẫn luôn bị ép giá, vì trước khi cân vịt thương lái căn dặn người nuôi không được cho vịt ăn”.
Sau nhiều năm nuôi vịt thả đồng, giờ đây kinh tế gia đình anh Vũ đã khấm khá, mua được máy xới để cày thuê, mua đất để trồng dừa, hoa màu (thu nhập hàng năm khoảng 70 triệu đồng) và xây được nhà. Thế nhưng, tới vụ thu hoạch lúa anh vẫn tranh thủ nuôi vài trăm con. “Nuôi vịt lâu năm đã quen rồi. Nếu không nuôi nữa, bỏ đồng trống tôi thấy tiếc quá” - anh Vũ cho biết.
Tại xã Hưng Nhượng, hiện còn nhiều người khá giả nhờ nuôi vịt thả đồng, như các anh: Thủy, Hải, Xích, Dũng… Họ đều là những nông dân chất phác, cần cù lao động và luôn có ý chí vươn lên làm giàu chính đáng bằng sức lao động của chính mình.