|
Thăm hộ nghèo ở Thạnh Trị - Bình Đại. Ảnh: PY |
Thạnh Trị có diện tích đất tự nhiên khá lớn (gần 2.400ha) và gần một nửa trong số đó là đất nông nghiệp. Nông dân Thạnh Trị cũng đã cố gắng chọn nhiều loại cây trồng, vật nuôi như lúa, mía, dừa, bò, gà, tôm, cá… nhưng vùng đất không mặn cũng không ngọt này chưa có loại cây trồng, vật nuôi nào thật sự mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho bà con.
Chính vì vậy, cho đến hiện giờ Thạnh Trị vẫn còn là xã nghèo của huyện Bình Đại. Theo kết quả bình xét hộ nghèo năm 2010, toàn xã có 275 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,45% (131 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ) và 69 hộ cận nghèo. Đây chính là lý do mà Thạnh Trị là một trong bảy xã của Bình Đại được chọn tham gia Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP Bến Tre) từ năm 2010.
Thời gian triển khai dự án ở Thạnh Trị tuy chưa nhiều nhưng bước đầu đã có tác động đáng ghi nhận. Ngay trong năm 2009, xã đã bắt đầu khởi động Dự án bằng việc tổ chức lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng thị trường có sự tham gia của cộng đồng. Lần đầu tiên Thạnh Trị tổ chức lấy ý kiến của dân và các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ để mọi người được trực tiếp tham gia phân tích và đóng góp về giải pháp giảm nghèo, lựa chọn sản phẩm chủ lực và danh mục công trình đầu tư năm 2010. Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng Ban Phát triển xã nói, lập kế hoạch cách mới đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ và nhân dân. Thông qua các hoạt động tham vấn cộng đồng, các vấn về kinh tế - xã hội được các ban ngành và người dân quan tâm, nhiệt tình góp ý và cuối cùng đạt được sự đồng thuận cao. Kế hoạch kinh tế - xã hội của xã đã có sự đổi mới về chất lượng, phù hợp với thực tiễn địa phương.
Trên cơ sở kế hoạch được lập theo định hướng thị trường, nhiều công trình, hoạt động nhằm phục vụ cho mục tiêu giảm nghèo của xã được triển khai. Từ vốn ngân sách và các nguồn vốn khác, các hoạt động như hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế, tập huấn kiến thức khoa học - kỹ thuật trong nuôi trồng, giới thiệu việc làm… được triển khai sâu rộng trong dân. Riêng nguồn vốn từ Dự án DBRP, năm nay, Thạnh Trị được phân bổ gần 1,8 tỷ đồng. Qua các cuộc họp lấy ý kiến dân, hai công trình đường Giồng Heo và Giồng Miễu sẽ được Dự án hỗ trợ tráng xi-măng, kinh phí trên 500 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, công trình này được chọn lựa đầu tư trước bởi phục vụ số đông người nghèo nông thôn trong đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở xóm, ấp.
Trong kế hoạch năm 2010, Thạnh Trị sẽ phối hợp với ngành chức năng tổ chức 7 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm, heo; tham quan các mô hình. Đến nay, đã tổ chức được 2 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm theo quy trình công nghệ sinh học và kỹ thuật nuôi heo hướng nạc kết hợp biogas.
Thêm một nguyên nhân dẫn đến nghèo của Thạnh Trị còn nhiều người thất nghiệp, không có việc làm ổn định. Xã hiện có 9 doanh nghiệp và 86 cơ sở kinh doanh mua bán, đã giải quyết được hàng trăm lao động. Tuy nhiên, hiện xã còn trên 200 lao động không có việc làm (trong độ tuổi từ 18-35). Ông Trần Châu Ngô - một hộ nghèo của xã Thạnh Trị - cho biết, nhà ông có 3 nhân khẩu với 7 công đất nuôi tôm. Tôm bị thất mùa liên tục, nợ nần không trả nổi nên bỏ ruộng hoang mấy năm nay. Cuộc sống của gia đình trông chờ vào đứa con đi bồi bùn thuê, nhưng bữa có bữa không. Ông muốn được vay vốn để cải tạo lại ruộng nhưng vì đang nợ ngân hàng 15 triệu đồng thì làm sao để vay nữa. Không riêng ông Ngô mà hầu hết hộ nghèo của Thạnh Trị đều có vay vốn ngân hàng nhưng do làm ăn thua lỗ và chưa có phương cách nào trả nợ vay nên nguồn thu nhập chủ yếu trông chờ vào việc làm thuê, làm mướn.
Ông Nguyễn Quốc Bảo – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án DBRP Bến Tre trong chuyến công tác tại Thạnh Trị mới đây đã có ý kiến chỉ đạo, Thạnh Trị phải xem lại cách thức cho người nghèo vay vốn - trên cơ sở nguồn vốn vay của Dự án DBRP. Nhưng cho người nghèo vay phải đồng thời với việc bày cách cho họ làm ăn, giải pháp hoàn vốn như thế nào. Mặt khác, không nhất thiết phải trao tiền trực tiếp cho hộ nghèo mới là giúp họ. Có thể giúp người nghèo bằng việc cho các hộ sản xuất, kinh doanh vay để mở rộng cơ sở, thu hút lao động là con em hộ nghèo cũng là giải pháp xóa nghèo bền vững. Thêm một giải pháp căn cơ nữa là tỉnh sẽ tiếp tục xem xét đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình thủy lợi phân định rõ vùng mặn, ngọt để người dân có thể xác định loại cây trồng, vật nuôi phù hợp.