Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

21/11/2019 - 19:00

BDK - Ngày 21-11-2019, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH, Đoàn đại biểu QH đơn vị tỉnh thống nhất sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao chất lượng ban hành văn bản pháp luật.

Theo quy định hiện hành, quy trình ban hành luật, pháp lệnh cơ bản thực hiện có hai giai đoạn gồm giai đoạn lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và giai đoạn soạn thảo trình QH, Ủy ban Thường vụ QH xem xét thông qua. Tuy nhiên, qua thực tiễn, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn bộc lộ một số hạn chế. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị: Chúng ta cần khẳng định rõ trong dự án luật là thể chế hóa đường lối, chủ trương nào của Đảng; trích dẫn các văn bản quy định của Đảng. Nếu trường hợp có những vấn đề mới cần phải phúc đáp yêu cầu của xã hội thì chúng ta khẳng định rằng nó không trái với chủ trương, đường lối của Đảng và chúng ta lập tức báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng để kiểm soát vấn đề này, tránh tình trạng luật đuổi theo các vấn đề xã hội.

Thời gian qua, thủ tục để trợ giúp cho một đại biểu QH hoặc một nhóm đại biểu QH trình dự án Luật Hành chính công chưa rõ ràng, vô cùng khó khăn tất cả các loại giấy tờ, hồ sơ rồi nhân lực cho đến con dấu. Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, chỉ nên sử dụng con dấu của Hội đồng Dân tộc và của Ủy ban đóng dấu treo.

Quy định về xử lý các sai phạm, xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ quan trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa rõ, rất mờ nhạt, tại Khoản 8 Điều 7 của Luật quy định “Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm” nhưng là chịu trách nhiệm như thế nào. Đề nghị nghiên cứu để có trách nhiệm rõ ràng của từng cá nhân, của từng cơ quan, tổ chức thì mới đảm bảo quá trình xây dựng pháp luật của chúng ta đảm bảo có chất lượng.

Kim Hoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN