Thảo luận nhiều vấn đề cử tri quan tâm

19/07/2017 - 07:07

Đại biểu đơn vị huyện Giồng Trôm Nguyễn Trúc Hạnh - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh nêu ý kiến chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: H. Hiệp

Tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn những nhóm vấn đề về chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đầu ra không ổn định của một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho người dân ở xã bãi ngang, công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh và đặc biệt là giải pháp để tổ chức thực hiện cai nghiện cho các đối tượng…

Giải pháp tăng kim ngạch xuất khẩu

Trong 6 tháng đầu năm 2017, bên cạnh một số chỉ tiêu đạt và vượt thì vẫn còn nhiều chỉ tiêu đạt thấp, trong đó có hai chỉ tiêu quan trọng đạt thấp là tổng kim ngạch xuất khẩu (đạt 41,8% so với Nghị quyết) và tổng vốn đầu tư toàn xã hội (ước đạt 42% so với Nghị quyết). Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tổng kim ngạch xuất khẩu đạt thấp là do gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chỉ xơ dừa (giảm 29,4%), cơm dừa nạo sấy (giảm 14%), than hoạt tính (giảm 17,87%)…

Để góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Đặng Ngọc Anh nói: Tỉnh cần tăng cường tuyên truyền và tiếp tục đẩy mạnh Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và các giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn; tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ cá thể chuyển lên doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh cần tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2017; tập trung quan tâm phát triển 8 sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó có giao việc cụ thể cho từng cá nhân, sở, ngành liên quan và chịu trách nhiệm.

Đại biểu Phan Văn Mãi - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu: Trong giải pháp để nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh thời gian tới cần đẩy mạnh việc thực hiện Kết luận số 27 của Tỉnh ủy về Đề án phát triển thương mại, dịch vụ - du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 và Kết luận số 28 của Tỉnh ủy về Đề án phát triển công nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 và hướng tới năm 2030.

“Nóng” chuyện giá heo hơi

Chưa bao giờ giá heo hơi lại trở thành một câu chuyện nóng bỏng được bàn thảo từ các hộ dân cho đến sở, ngành và từ những cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp đến nghị trường tại cuộc họp lần này.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Văn Đảm nêu: Sau thời gian rớt giá thảm hại, giá heo hơi đang trên đà tăng trở lại, đây là điều đáng vui mừng cho những hộ chăn nuôi heo. Tuy nhiên, để có giải pháp căn cơ nhằm giúp người chăn nuôi ổn định sản xuất, tỉnh cần khẩn trương xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng và vận động người dân tham gia hợp tác xã kiểu mới; tăng cường công tác dự báo thị trường; phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền giữa các cấp, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể; mở rộng thị trường, xuất khẩu theo đường chính ngạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng cho rằng: Với nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng, việc heo hơi rớt giá do không truy xuất được nguồn gốc chỉ là khởi đầu, tiếp sau đó có thể là một số loại gia súc, gia cầm chủ lực của tỉnh, như con bò, con gà… Việc cần làm và giải pháp hữu hiệu nhất đó là không chỉ dừng lại ở khâu tuyên truyền mà đòi hỏi từng địa phương phải năng động, mời gọi doanh nghiệp nhằm đảm bảo liên kết trong thu mua. Hay nói cách khác là phải xây dựng cho được mô hình tổ chức liên kết sản xuất đạt quy trình và hiệu quả để người dân tham gia. Tuy nhiên cũng cần khẳng định rằng, vai trò của Nhà nước chỉ dừng lại ở việc tạo điều kiện thông thoáng để thu hút doanh nghiệp đầu tư, chính sách ưu đãi, còn người chăn nuôi mới là yếu tố quan trọng và quyết định của sự thành bại.

Quá tải cấp học mầm non

Qua ý kiến thảo luận của các đại biểu, hiện nay, cấp học mầm non của tỉnh đang quá tải do nhu cầu gửi trẻ của người dân ở khu vực đô thị và nông thôn đều tăng trong khi hệ thống cơ sở vật chất và giáo viên mầm non đều đang thiếu; công tác quản lý việc dạy thêm, học thêm chưa đảm bảo; giải pháp phòng ngừa tình trạng bạo lực học đường.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Ngọc Bữu, nhu cầu gửi trẻ vào các trường mầm non của người dân có tăng lên. Thời gian qua, khó khăn của ngành là thu hút đầu tư. Tổng nguồn vốn đầu tư hơn 80 tỷ, trong năm 2016 có 18 công trình được xây mới, 21 trường được sửa chữa.

Vấn đề dạy thêm, học thêm vẫn còn nhiều tồn tại. Để ngăn chặn các tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, mỗi trường đã đưa chủ đề dạy thêm, học thêm và sinh hoạt tại lễ khai giảng hàng năm. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu tiêu cực trong dạy và học thêm. Sở cũng giao trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường trong quản lý vấn đề này, quyết tâm không để xảy ra tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, nhất là việc rò rỉ đề kiểm tra.

“Hiện nay, ở tỉnh chưa xuất hiện tình trạng đánh nhau giữa các học sinh, quay clip và tung lên trang mạng xã hội. Tuy nhiên, để phòng ngừa, Sở đã chỉ đạo cho các trường thường xuyên giáo dục đạo đức học sinh và tăng cường các hoạt động đội, đoàn và phương pháp giáo dục tích hợp. Nhà trường đã quan tâm nâng cao trách nhiệm của phụ huynh và vai trò của ban cán sự lớp - đây là đầu mối để sớm phát hiện những mâu thuẫn trong học sinh” - ông Lê Ngọc Bửu cho biết thêm. 

Kéo giảm số người nghiện ma túy

Hiện nay tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều loại tội phạm, nhất là nạn sử dụng trái phép chất ma túy gia tăng ở khu vực thành thị và nông thôn, gây bất an cho người dân.

Để kéo giảm số người sử dụng và nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Minh Lập: Quan trọng nhất vẫn là ý thức tự cai nghiện của các đối tượng, kế đến là gia đình cần hợp tác chính quyền, đoàn thể cùng tham gia tuyên truyền, thuyết phục, giáo dục đối tượng. Trong cuộc chiến này phải coi công tác phòng ngừa là nhiệm vụ quan trọng.

Viện trưởng Viện Kiểm soát nhân dân tỉnh Châu Văn Thơi nói: “Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phù hợp theo từng đối tượng, tầng lớp và độ tuổi để mọi người chấp hành pháp luật. Bên cạnh đó cần tăng cường việc xét xử lưu động để góp phần tuyên truyền trực quan trong người dân”.

Các vấn đề an sinh xã hội khác

Cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, chăm lo chính sách cho người dân xã bãi ngang; nguyên nhân, thủ tục và quy trình trong việc đo đạc, cấp quyền sử dụng đất cho người dân theo Dự án Vlap chậm… là các nội dung được đại biểu chất vấn tại kỳ họp. Bởi trong thời gian qua, việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng này còn nhiều bất cập, sai sót về họ, năm sinh hay chữ lót người đứng tên thẻ; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân địa phương vẫn còn tồn đọng với số lượng khá lớn, nhất là ở huyện Ba Tri.

Trả lời chất vấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Phước cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh thực hiện mua và cấp 211.359 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân đang sinh sống tại 30 xã bãi ngang của tỉnh; tổng kinh phí trên 137,8 tỷ đồng, đạt 100%. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện các chính sách tại xã bãi ngang ven biển cũng còn hạn chế, trong đó nguyên nhân do trách nhiệm của cán bộ xã, nhân viên bảo hiểm các cấp còn thiếu thẩm định, thẩm tra trong thực hiện nhiệm vụ. UBND tỉnh sẽ cố gắng tối đa để chỉ đạo ngành bảo hiểm khắc phục các sai sót trong vòng hai tháng tới. Đồng thời, UBND tỉnh sẽ tập trung tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các chế độ, chính sách đối với người dân tại xã bãi ngang theo đúng quy định; chỉ đạo hướng dẫn các xã bãi ngang thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho người dân; quan tâm tư vấn giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động để các đối tượng có điều kiện tiếp cận cơ hội tìm việc làm, cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Thành Hạo, Dự án Vlap đã kết thúc từ năm 2012 nhưng đến nay tại huyện Ba Tri chỉ mới cấp được 14.803/57.292 giấy chứng nhận cho dân, còn trên 42 ngàn giấy chứng nhận chưa được trao. Đây là vấn đề đáng quan tâm, cần tìm ra giải pháp để đảm bảo an dân, góp phần hạn chế các vụ kiện tụng liên quan đến đo đạc, đất đai.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Chinh nói: Từ đây đến cuối năm 2017, ngành sẽ hoàn thành cơ bản việc cấp đổi quyền sử dụng đất cho người dân. Ngoài Ba Tri, các địa phương còn tồn đọng giấy chứng nhận chưa kịp trao cho dân: Mỏ Cày Bắc (20 ngàn), Mỏ Cày Nam (24 ngàn), Chợ Lách (7 ngàn).

Ngành sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ và phân công cán bộ chuyên môn hỗ trợ các huyện trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo cho UBND các huyện, xã, thị trấn liên quan tiếp tục tổ chức đăng ký đất đai, xét duyệt các hồ sơ đăng ký; lập kế hoạch cấp đổi giấy chứng nhận tại địa phương. Ngoài ra, ngành sẽ thống nhất quy trình cho người dân đổi giấy chứng nhận và các thủ tục, giấy tờ bổ sung để được cấp mới, cấp biến động giấy chứng nhận; thông báo và phát giấy mời đến từng hộ sử dụng đất về thời gian cấp đổi, bổ sung các giấy tờ.

Q.Hùng - P.Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN