
Đại biểu Nguyễn Văn Huỳnh - đơn vị huyện Giồng Trôm phát biểu ý kiến tại hội trường. Ảnh: T.Lập
Phát triển kinh tế
Đại biểu Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, cử tri vẫn còn băn khoăn, lo lắng trước vấn đề liên kết sản xuất, sản xuất sạch. Hiện nay, nhận thức sản phẩm sạch chưa cao, còn nhiều lẫn lộn; các mô hình sản xuất hữu cơ chưa được nhân rộng. Một số mô hình sản xuất của người dân thiếu chặt chẽ, thiếu bền vững.
Đề ra giải pháp trong thời gian tới về liên kết sản xuất nông nghiệp, đại biểu Lâm Văn Tân kiến nghị UBND tỉnh nên quan tâm triển khai kế hoạch phát triển hợp tác xã (HTX) đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025, triển khai chính sách HTX, quỹ hỗ trợ HTX, chọn HTX điển hình để nhân rộng; tăng kinh phí cho nghiên cứu khoa học, khuyến nông để xây dựng và mở rộng mô hình sản xuất an toàn, sạch, hữu cơ. Triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hỗ trợ HTX, xúc tiến thương mại, chỉ đạo tăng cường kiểm soát phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đầu vào, định hướng phát triển phân hữu cơ nhằm không để dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gây mất an toàn thực phẩm.
Đại biểu Đỗ Minh Đức - đơn vị huyện Ba Tri đánh giá: “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là bước đi đúng đắn của tỉnh. Sau 5 năm triển khai thực hiện, nền nông nghiệp tỉnh nhà đã có những chuyển biến tích cực, đã xác định các lĩnh vực trọng tâm, có nhiều DN chế biến nông sản đứng vững trên thị trường, xây dựng được thương hiệu dừa xiêm xanh, bưởi da xanh”.
Đại biểu Minh Đức cũng băn khoăn, giá một số nông sản không ổn định, sụt giảm chậm phục hồi, tác động thu nhập đời sống người dân và ảnh hưởng việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thực tế, nhiều hộ dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đã lâm vào cảnh khó khăn vì giá nông sản bấp bênh, sản xuất không lời dẫn đến nợ ngân hàng. “Nên chăng khuyến cáo người dân giảm sản lượng dừa; quan tâm phát triển mạnh hơn nữa dừa xiêm xanh và bưởi da xanh; chú trọng quy trình hiện đại, sạch cho người sản xuất và người tiêu dùng”, đại biểu Đỗ Minh Đức bày tỏ.
Đại biểu Đoàn Văn Đảnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, Hội Nông dân đã đứng ra tổ chức hình thành các tổ hợp tác, HTX sản xuất cho người dân, bước đầu có hiệu quả nhất định. Hướng tới, hội phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương đề ra giải pháp để giải quyết đầu ra của sản phẩm theo hướng an toàn thực phẩm. Cụ thể, sắp tới nâng cấp lò mổ ở huyện Ba Tri để đảm bảo an toàn sản phẩm “Bò Ba Tri” nhằm liên kết tiêu thụ ổn định, bền vững cho người dân.
“Thời gian tới, ngành nông nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để phân biệt sản phẩm sạch; nhân rộng mô hình sản xuất an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Lâm cho biết.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Thành Hạo cho rằng, cần nhìn lại tư duy và nhận thức trong tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ngành quản lý nên chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. “Làm được điều đó, các câu hỏi “tại sao giá nông sản rẻ, nuôi con gì, trồng cây gì” sẽ không xuất hiện trên các diễn đàn của cử tri. Tổ chức liên kết sản xuất không theo chuỗi, người nông dân không tham gia sản xuất theo chuỗi thì mãi thua thiệt và đứng ngoài thị trường” - Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Thành Hạo khẳng định.
Về vấn đề giải ngân đầu tư công, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Minh Cảnh cho biết, vốn phân bổ năm 2018 là 3.502,861 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện chậm, ước giải ngân trong báo cáo đến cuối năm là 2.819,477 tỷ đồng, đạt 80,2% kế hoạch năm. Phân tích nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm, ông Cảnh khẳng định, giải ngân chậm là do thủ tục đầu tư chậm, giải phóng mặt bằng, nhất là xác định hệ số K, khan hiếm cát san lấp, phân bổ vốn trái phiếu chính phủ quá lớn. Một số dự án có nguồn vốn lớn nhưng không triển khai được phải chuyển sang năm 2019 như: Dự án khu công nghiệp Phú Thuận, dự án nhà ở cho người có công, bội chi ngân sách mới được Bộ Tài chính phân bổ vào tháng 11-2018 và chưa thực hiện giải ngân.
Văn hóa - xã hội
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, thảo luận tại hội trường có hai ý kiến đáng chú ý về công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) và tình hình thiếu giáo viên mầm non hiện nay. Đại biểu Phạm Văn Trung - đơn vị TP. Bến Tre nêu, trong năm học 2018-2019, ngành giáo dục tỉnh nhà có nhu cầu tuyển 368 giáo viên mầm non. Các trường đã thông báo tuyển dụng nhưng đến nay vị trí biên chế rất ít giáo sinh nộp hồ sơ dự tuyển (biên chế được giao chưa sử dụng hết - tình trạng này đã xuất hiện từ năm 2015 đến nay).
Đại biểu Nguyễn Văn Huỳnh đơn vị huyện Giồng Trôm phân tích nguyên nhân, trong đó, có hai nguyên nhân chính là sự gia tăng tỷ lệ trẻ em ở độ tuổi đến trường và chế độ đãi ngộ giáo viên mầm non. Đại biểu cũng đề ra 5 nhóm giải pháp để tháo gỡ, trong đó có giải pháp đẩy mạnh công tác xã hội hóa để hợp tác công - tư giáo dục mầm non nhằm tạo điều kiện để các trường chủ động tuyển dụng.
Về vấn đề này, đại biểu đơn vị huyện Giồng Trôm Phan Văn Mãi - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy tán thành, bởi như thế các trường sẽ đảm bảo tốt hơn về công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể lực, tầm vóc của trẻ thông qua các hoạt động về y tế, sữa học đường…
Về công tác XKLĐ, đại biểu Nguyễn Văn Huỳnh nêu, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 7.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đã mang về cho tỉnh nguồn thu hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm (bình quân 20 triệu đồng/tháng). Năm 2018, chỉ tiêu XKLĐ được giao là 800 người, đã thực hiện 1.008 người, đạt 126% so với nghị quyết. Năm 2019, phấn đấu thực hiện 1.200 người.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Huỳnh, tỉnh cần quan tâm hơn nữa giải pháp huy động nguồn vốn để hỗ trợ cho người lao động. Nhiều tỉnh, thành trong khu vực đã dành nguồn ngân sách rất thích đáng để hỗ trợ cho lĩnh vực này và nên xem công tác XKLĐ là một nội dung trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bởi XKLĐ đã góp phần rất lớn, rất bền vững cho công tác giảm nghèo ở các địa phương.
Quốc phòng - an ninh
Năm 2018, tỉnh hoàn thành nhiệm vụ công tác tuyển quân, đạt 100% chỉ tiêu của Chính phủ giao. Trong năm 2019, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao là 1.300 công dân, tăng 50 công dân so với năm 2018.
Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyển quân trong thời gian tới, đại biểu đơn vị Mỏ Cày Bắc Đại tá Lê Văn Hùng - Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho rằng: Trước hết, tập trung quán triệt và tổ chức thực hiện tốt 14 nội dung tại Công văn số 5671 ngày 30-11-2018 của UBND tỉnh về việc chỉ đạo công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2019. Trong đó, quan tâm một số vấn đề: quán triệt sâu sắc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, xác định công tác tuyển quân là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương; thực hiện tốt công tác tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự trong nhân dân. Kiện toàn hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp.
Đại biểu đơn vị huyện Châu Thành Nguyễn Văn Khiêm - Phó chánh Thanh tra tỉnh phản ánh, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh thời gian qua phát sinh những vấn đề mới ngày càng phức tạp như: tín dụng đen, vay nặng lãi, hụi ma… Từ đó, xảy ra tình trạng xiết nợ, đòi nợ thuê, tạo rối trật tự công cộng, tạo tâm lý bất an, lo lắng trong nhân dân. Đại biểu Nguyễn Văn Khiêm đề xuất giải pháp: Các ngành chức năng, đặc biệt là chính quyền cơ sở cần có sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ bản chất của hoạt động tín dụng đen. Mở rộng mô hình quỹ tín dụng nhân dân, tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay an toàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ địa bàn dân cư, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi rải tờ rơi quảng cáo và thực hiện việc cho vay nặng lãi; tổ chức các phiên xét xử lưu động với mức án nghiêm khắc để răn đe.
P. Hân - T. Lập - Q. Hùng