Thảo luận về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi)

21/06/2017 - 09:30

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó trưởng Đoàn Đại biểu QH chuyên trách tỉnh Bến Tre. Ảnh: T. Trang

Sáng 20-6-2017, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). 

Đa số ý kiến đại biểu tham gia thảo luận đều cho rằng trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản gần bờ gặp nhiều khó khăn thì sửa đổi Luật Thủy sản sẽ tạo động lực cần thiết cho phát triển bền vững của ngành thủy sản. Việc đề ra chính sách phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo và an ninh, quốc phòng là rất cần thiết. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát lại các quy định về việc thành lập và quản lý khu bảo tồn biển, khu bảo tồn thủy sản nội địa để không chồng chéo với Luật Đa dạng sinh học.

Tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó trưởng Đoàn đại biểu QH chuyên trách tỉnh Bến Tre có ý kiến như sau:

Về kiểm ngư, đại biểu đề nghị cần có kiểm ngư cấp tỉnh ở một số tỉnh có biển và một số tỉnh biên giới có sông lớn chảy qua nhiều quốc gia, có nguồn lợi thủy sản phong phú để bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp với bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên để tránh trường hợp thành lập ồ ạt các chi cục kiểm ngư cấp tỉnh, đầu tư mua sắm trang thiết bị nhưng không đủ nhân lực, không đủ kinh phí hoạt động gây lãng phí, hoặc khi đã có kiểm ngư thì phó mặc cho kiểm ngư, viện cớ không đủ nguồn lực mà lơ là trách nhiệm thanh tra chuyên ngành vùng bờ dẫn đến hủy diệt nguồn lợi. Do đó đề nghị giao thẩm quyền cho Chính phủ và phân cấp cho UBND cấp tỉnh, chỉ thành lập kiểm ngư cấp tỉnh theo phương án không tăng biên chế theo Nghị quyết số 39, thành lập theo lộ trình, chỉ thành lập khi đã đủ điều kiện và thật sự cần thiết, đã thành lập thì địa phương phải đảm bảo điều kiện cho lực lượng kiểm ngư hoạt động, còn đối với các tỉnh chưa thành lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh, kiểm ngư vùng sẽ tăng cường hỗ trợ nhằm đảm bảo tính liên tục. 

Về thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển: Nghị định số 51/2014/NĐ-CP quy định UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giao, cho thuê vùng biển từ 3 hải lý trở vào; trong khi Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo quy định vùng biển ven bờ là vùng biển có ranh giới phía ngoài cách đường mép nước 6 hải lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định và công bố. Hơn nữa vùng biển ven bờ cũng chịu sự quản lý chuyên ngành của nhiều bộ như Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đặc thù của vùng này khó kiểm soát, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng nên đề nghị đối với các dự án giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản trong vùng biển ven bờ phải xin chủ trương đầu tư và giao thẩm quyền cho Chính phủ như quy định tại Điều 32 của Luật Đầu tư để có ý kiến các bộ, ngành trước khi UBND tỉnh quyết định cấp chứng nhận đầu tư và chưa nên giao, cho thuê, cho thuê lại, cho chuyển nhượng quyền sử dụng mặt nước biển cho nhà đầu tư nước ngoài.

Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển: hiện nay Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Luật Tài nguyên môi trường biển và Hải đảo cũng chưa quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển, chưa có quy trình, thủ tục quy định việc cấp quyền khai thác và sử dụng mặt nước biển nuôi trồng thủy sản. Do đó, đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ và quy định trong luật để các quyền của tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản tại Điều 46 được khả thi.

Về thu hồi mặt nước biển đã giao, cho thuê tại Điểm b, Khoản 1, Điều 45: đề nghị nghiên cứu áp dụng Điểm i, Khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai, thu hồi khi chủ đầu không sử dụng 12 tháng liên tục tính từ ngày được giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản. Quy định như vậy để tránh tình trạng đã xảy ra trong thực tiễn gần đây nhà đầu tư lách luật, kéo dài thời gian triển khai dự án bằng cách triển khai cầm chừng một vài hoạt động để giữ đất, giữ mặt nước và chuyển nhượng dự án...

Thùy Trang

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN