
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn tham gia thảo luận tại phiên họp tổ.
Tại phiên họp, Tổ số 17 gồm các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, Hậu Giang, Bến Tre, Kiên Giang và TP. Cần Thơ.
Sau khi nghe báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và báo cáo kiểm toán nhà nước về vấn đề thu chi ngân sách năm 2019, các đại biểu trong Đoàn Bến Tre thống nhất cao hai nội dung trên. Tuy nhiên, việc giao dự toán ngân sách nhà nước, các đại biểu cho rằng cần phải rút kinh nghiệm, đặc biệt là giao dự toán đầu tư công thì các bộ, ngành Trung ương nên giao sớm và giao một lần ngay từ đầu năm để các địa phương, các tỉnh, thành có điều kiện triển khai giải ngân cho tốt vì vốn đầu tư công hàng năm theo báo cáo là giải ngân chậm, do trung ương thường giao vốn rất nhiều lần, có những chương trình, dự án giao những tháng cuối cùng của năm kế hoạch. Vì vậy, các địa phương không đủ thời gian làm các thủ tục giải ngân buộc lòng phải chuyển vốn qua năm tiếp theo.
Đại biểu đề nghị các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nên xem xét tham mưu cho Chính phủ sớm ra quyết định để giao kế hoạch vốn một lần cho các chương trình, dự án tạo điều kiện giải ngân cũng như trong quá trình thực hiện triển khai được tốt hơn.
Về điều hành ngân sách, đại biểu đề nghị Bộ Tài chính phải có những tiêu chí rõ ràng, chi hỗ trợ ngân sách từ nguồn dự phòng cho các địa phương gặp hạn mặn, lũ lụt để các địa phương khắc phục thiên tai.

Đại biểu Võ Văn Hội tham gia thảo luận tại phiên họp tổ.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu cho rằng hiện nay nhà nước ta đang tập trung chỉ đạo sát sao về nội dung này và trong thời gian qua công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả tốt. Do đó, muốn phòng chống thực hành tiết kiệm chống lãng phí tốt thì trước hết phải đi liền với bộ máy tổ chức trong hệ thống chính trị hiện nay theo các Nghị quyết số 39, 18 và 19 Trung ương VI, khóa XII. Theo các đại biểu, chỉ có tinh gọn bộ máy thì mới giảm được biên chế mới có thể tiết kiệm, không gây lãng phí trong tổ chức bộ máy.
Về đầu tư xây dựng cơ bản, đại biểu cho rằng có nhiều tiêu chuẩn định mức hiện nay không phù hợp và so sánh giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư của tư nhân cùng một công trình nhưng tổng mức đầu tư vào chi tiêu cho công trình là khác nhau, cần sự xem xét lại trong quá trình lập dự toán, thường là các chủ đầu tư căn cứ vào quy định của bộ ngành trung ương.
Về quản lý trong lĩnh vực đất đai tài sản công, theo các đại biểu đây là những vấn đề lớn, cần quan tâm và phải có một sự đánh giá để làm sao nguồn lực đất đai là nguồn lực có thể tạo ra nguồn ngân sách lớn cho đầu tư phát triển. Hiện nay, người dân, doanh nghiệp xây dựng cơ sở sản xuất trên đất chưa được chuyển đổi mục đích, do đó đề nghị các địa phương và các cấp chính quyền quan tâm để làm đúng quy hoạch. Khi chuyển mục đích sử dụng đất khác, phải thu đúng mục đích sử dụng, tránh lãnh phí.
Về mua sắm tài sản công, hiện nay nhu cầu sử dụng và mua sắm không đi liền với nhau, có những đơn vị mua sắm nhiều trang thiết bị nhưng không sử dụng, khai thác hết gây tốn kém ngân sách, đại biểu đề nghị mạnh dạn trao quyền, trao trách nhiệm cho những đơn vị sử dụng, những người đứng đầu để họ quyết định mua sắm phù hợp khi sử dụng.
Việc chi tiêu thường xuyên đối với ngân sách nhà nước: Hiện nay, có nhiều Hội, Hiệp hội khi xin thành lập và tự chủ, tự cân đối nhưng khi hoạt động thì rất nhiều hội, hiệp hội xin ngân sách, xin biên chế. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm trong quá trình quản lý, mạnh dạn tạo cơ chế chính sách để họ tự chủ về thu chi, giao trách nhiệm cho họ, yêu cầu họ tự chủ nhưng không tạo điều kiện về mặt chính sách, vì hiện nay rất nhiều đơn vị sự nghiệp công lập thậm chí các bộ, ngành trung ương cũng rất nhiều đơn vị như viện, trường nghiên cứu thì khi thành lập ra phải mang tính chất là xã hội hóa cao hơn tự chủ để ngân sách nhà nước giảm chi tiêu, góp phần làm cho việc quản lý ngân sách nhà nước của ta đạt được hiệu quả hơn.
Tin, ảnh: Hồng Yến