Thắp sáng y đức người thầy thuốc Việt Nam

26/02/2012 - 15:38

Nghề thầy thuốc từ xưa đến nay luôn được xem là nghề cao quí, được xã hội tôn vinh. Chữa bệnh, cứu người giành lại sự sống và mang lại sức khỏe cho người bệnh là những giá trị nhân văn sâu sắc của ngành y. Cách đây 57 năm, ngày 27-2-1955, Bác Hồ đã gửi thư cho Hội nghị cán bộ y tế.

Trong thư, Người căn dặn những nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế nước nhà, cốt yếu gồm 3 nội dung lớn: Thật thà đoàn kết - Thương yêu người bệnh - Xây dựng một nền y học của ta. Lời dặn của vị Chủ tịch nước đã trở thành phương châm sống, làm việc, cống hiến vì sức khỏe nhân dân, đồng bào của hàng vạn cán bộ y tế tham gia kháng chiến và xây dựng nền y học Việt Nam.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, chúng ta tự hào về truyền thống ngành y tế Bến Tre ra đời và trưởng thành trong kháng chiến cứu nước, giải phóng dân tộc, trưởng thành vươn lên không ngừng trong công cuộc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, của Nhà nước. Đồng bào, quê hương Bến Tre tri ân những người con ưu tú đã làm rạng danh quê hương, sáng ngời y đức Việt Nam khi gắn tuổi thanh xuân và cuộc đời cống hiến cho nền y học cách mạng và chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong kháng chiến cũng như thời bình. Đó là lương y - liệt sĩ Trần Văn An, bác sĩ - nhà giáo Nhân dân Trần Hữu Nghiệp, bác sĩ - Anh hùng lao động Đoàn Thúy Ba và nhiều cán bộ y tế, chiến sĩ quân y đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quí Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân như Đoàn Thị E, Nguyễn Tấn Đan, Văn Lộc Sanh… Bài học về thực hiện phương châm quân dân y kết hợp, Đông Tây y kết hợp, kế thừa di sản y học cổ chuyền dân tộc và thành tựu y học hiện đại được đúc kết trong kháng chiến đến nay vẫn còn nguyên giá trị và được khai thác, phát triển trong mọi hoạt động của ngành y tế Bến Tre hôm nay.

Ngành y tế địa phương trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu, chuyển biến tích cực cả lượng và chất, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả chăm sóc, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho các tầng lớp nhân dân, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa. Cán bộ tuyến cơ sở được tăng cường, công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai tổ chức thực hiện tích cực, mang lại hiệu quả, chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản từng bước nâng lên, nhiều đơn vị thực hiện nghiên cứu khoa học, phát động phong trào sáng kiến kinh nghiệm đạt hiệu quả cao. Nhiều tập thể, cán bộ trong ngành được Bộ Y tế, UBND tỉnh tặng bằng khen.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của xã hội và của ngành, y tế địa phương đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Đội ngũ y bác sĩ tuyến cơ sở còn mỏng. Hiện tượng quá tải đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện còn kéo dài. Trang thiết bị y tế tuyến cơ sở đã được đầu tư nhiều hơn trước song vẫn còn thiếu nhiều. Vừa qua, người dân còn bức xúc khi ở một số đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh để xảy ra tình trạng thái độ cán bộ y tế không tôn trọng người bệnh, thậm chí thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Phải chăng sự xuất hiện của hiện tượng này xuất phát từ áp lực công việc hay là sự đùn đẩy trách nhiệm? Hiện tượng người bệnh được đối xử khác nhau giữa khám dịch vụ và khám theo sổ bảo hiểm, giữa người thân, người sơ?

Tục ngữ có câu “Thương người như thể thương thân”. Người bệnh đến các cơ sở y tế để mong sao được y bác sĩ chẩn đoán đúng, chữa bệnh hay. Về tâm lý, người bệnh luôn mong chờ ở bác sĩ lời sẻ chia ân cần, cả bàn tay và nụ cười nhân từ, thần diệu. Điều này chính đáng lắm!

Hướng tới dịp kỷ niệm 57 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngành y tế đã tổ chức tại các địa phương Hội thi với chủ đề “Tuyên truyền về thực hiện quy tắc ứng xử ngành Y tế”, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đó cũng là lời cam kết về sự quyết tâm thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức ngành y tế, thiết thực tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn ngành triển khai Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ năm 2012. Trước mắt, trong thời điểm này là quyết liệt thực hiện hiệu quả Công điện số 218 ngày 20-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống cúm A/H5N1 và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch năm 2012.

Theo thống kê, đến cuối năm 2010 ngành y tế có hơn 3.400 người, trong đó có 651 người có trình độ đại học (tỷ lệ 18,16%), 309 người có trình độ sau đại học (tỷ lệ 8,62%), đa số cán bộ y tế còn lại có trình độ trung cấp. Để đáp ứng yêu cầu xã hội và phát triển của ngành, rất cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, trong giai đoạn 2011-2015, để đáp ứng nhiệm vụ công tác ngày càng cao, ngành cần  đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện qui hoạch và đào tạo cán bộ y tế với số lượng khoảng 1.700 người, trong đó cán bộ có trình độ sau đại học hơn 350 người và 1.350 cán bộ có trình độ đại học.  Vừa qua, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 16 về chính sách trợ cấp kinh phí đào tạo và thu hút nhân tài, trong đó có đối tượng được cử đi đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp 1, cấp 2; dược sĩ chuyên khoa cấp 1, cấp 2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn "Lương y phải như từ mẫu". Nói đến y đức là nói đến những giá trị đạo đức tốt đẹp của người làm công tác y tế. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ y tế Bến Tre khắc cốt, ghi tâm lời dặn của Người, không ngừng tu dưỡng và rèn luyện y đức Việt Nam. Nhiệm vụ của ngành y và cán bộ y tế trong giai đoạn hiện nay ngày càng phải đáp ứng yêu cầu cao, đa dạng. Rèn y đức trước hết thể hiện ở tinh thần trách nhiệm cao với nhân dân, tận tụy làm việc phục vụ đồng bào, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh. Y đức còn là bản lĩnh khắc phục khó khăn, không ngừng vươn lên nâng cao tay nghề để hoàn thành nhiệm vụ, toàn tâm toàn ý xây dựng nền Y học Việt Nam dân tộc, hiện đại. Y đức còn thể hiện qua những tiêu chuẩn, nguyên tắc làm việc trong ngành và các mối quan hệ, ứng xử đạo đức được xã hội thừa nhận.

Thanh Chiến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN