"Năm nay, khả năng cho trái của cây măng cụt chỉ đạt khoảng 25%, thậm chí có cây chẳng có trái nào. Không những năng suất không đạt mà giá cả cũng rớt. Năm trước, vào vụ, giá măng cụt dao động từ 50 đến 60 ngàn đồng/kg, còn năm nay, chỉ từ 27 đến 30 ngàn đồng/kg. Cứ đà này, nhà vườn sẽ đốn măng cụt trồng lại chôm chôm thôi…” - anh Lê Văn Vũ - ở ấp An Thạnh, xã Long Thới tâm sự.
Vườn măng cụt của bác Lý Như dù cho trái khá nhưng vẫn thấp hơn năm rồi.
Anh Vũ hiện có gần một mẫu rưỡi (15.000m2) vườn cây măng cụt. Ấp An Thạnh vừa mới thành lập tổ sản xuất măng cụt theo hướng VietGAP, anh Vũ là tổ trưởng của tổ sản xuất với 32 hộ tham gia, có gần 20ha. Anh dẫn tôi ra vườn và chỉ vào cây măng cụt 60 năm tuổi, nói: Mấy năm trước, vào vụ, với cây măng cụt này, tôi thu hoạch trên 100kg, vậy mà năm nay chưa được 1 ký. Cây vẫn tốt mịt đó chứ. Không riêng gì vườn măng cụt của tôi, các vườn măng cụt của tổ viên cũng có cùng “hoàn cảnh”. Vào VietGAP, bà con rất mừng bởi trái măng cụt được bảo hộ, bao tiêu sản phẩm (đại lý Chánh Thu - Chợ Lách thu mua cao hơn từ 15-20% so với giá măng cụt của nhà vườn khác). Hai năm vào VietGAP, năm nay, bà con trong tổ của anh Vũ bị thất thu nặng, không có sản phẩm để giao cho đại lý. Tương tự, anh Võ Văn Đẹp ở ấp Phú Hiệp, xã Phú Sơn, có 6.000m2 đất trồng măng cụt, với hơn 30 năm tuổi. Anh Đẹp cho biết, mùa trước, mỗi cây cho thu hoạch từ 50 - 60kg. Năm nay, cả vườn nhà gom lại chưa được 60kg măng cụt.
Trong ba nhà vườn trồng măng cụt mà tôi có dịp đến, hộ bác Lý Như - ở ấp Tây Lộc, xã Vĩnh Thành có một mùa măng cụt trúng đậm nhất. Bác Như hiện có 5.000m2 đất trồng chuyên măng cụt, với 150 gốc. Cây măng cụt của bác có trái rất đều, mặc dù không sai trái như mọi năm. Bác Như cho biết, sở dĩ măng cụt cho trái đều như thế là do bác xử lý kỹ thuật bằng cách xiết gốc ngay từ tháng 11 âm lịch, cộng với việc vườn của bác thuận lợi về nguồn nước tưới nên cây măng cụt cho trái đều hơn và nhiều hơn các nhà vườn khác trong vùng.
Có hai yếu tố làm cho măng cụt thất thu nặng trong vụ này là thời tiết trong năm và những cơn mưa đầu mùa. Do thời tiết từ tháng 11 đến tháng 1 âm lịch (thời điểm cây măng cụt ra hoa) không thuận lợi (nắng nóng, khô nước) nên cây măng cụt không ra hoa, đậu trái. Theo bác Như, cây măng cụt chịu lạnh, chứ nóng thì không ra hoa. Đồng thời, do những cơn mưa trái vụ và đầu mùa mới đây, khi cây măng cụt có trái non, gặp mưa thì bị hiện tượng chảy mủ trái nên rụng rất nhiều. “Vậy đó, trồng măng cụt thì có năm thất, năm trúng. Năm nào thất thì cũng có vài chục ký, vậy mà năm nay… mất trắng” - anh Vũ tâm sự.