Thấy gì qua 12 mùa cây - trái ngon, an toàn

29/07/2012 - 16:09

Chợ Lách là vùng đất vốn nổi danh với nhiều loại cây - trái ngon, đặc sắc ở miền Tây Nam Bộ. Nhắc đến Chợ Lách, người ta cũng nhớ đến tên tuổi trái cây Cái Mơn như một thương hiệu nổi tiếng đã hình thành từ lâu đời. Thế nhưng, trải qua 12 mùa cây - trái ngon và an toàn, các loại sản phẩm trái cây nơi đây nói riêng và Bến Tre nói chung đã thật sự có những bước chuyển biến tích cực, góp phần tạo nên thế đứng vững vàng cùng với tên tuổi của chính nó trên thương trường hay chưa?

Có thể nói, nét phấn khởi của ngày hội cây - trái ngon, an toàn năm nay là Chợ Lách đã xuất hiện nhiều hơn những sản phẩm được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP như chôm chôm, bưởi da xanh, sầu riêng, nhãn, măng cụt… Đây là xu thế tất yếu cho các loại trái cây muốn tăng tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch của thị trường trong và ngoài nước, và cũng là điều kiện cần để có thể tồn tại trong tương lai. Tuy nhiên, sản phẩm được sản xuất theo các chuẩn này cũng đang gặp khó khăn chung là việc duy trì hoặc mở rộng các thị trường tiêu thụ. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu là một trong những doanh nghiệp hoạt động đáp ứng xu thế của thị trường. Thời gian qua, doanh nghiệp này đã và đang đầu tư xây dựng nhiều mô hình sản xuất sản phẩm trái cây theo các tiêu chuẩn trên, trong đó, đặc biệt là trái chôm chôm đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Nhưng theo lời của một đại diện Công ty, năm nay, hầu hết các loại trái cây đều xuất khẩu rất chậm do ảnh hưởng khó khăn chung của thị trường thế giới và càng chậm hơn đối với các thị trường khó tính. Nhân viên này khẳng định: Nhưng nếu sản phẩm không sản xuất theo các quy trình trên thì càng không thể xâm nhập thị trường nước ngoài, thậm chí là rớt giá thê thảm.

 

Một vườn chôm chôm được sản xuất để phục vụ xuất khẩu.

 

Nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, việc cạnh tranh hàng hóa trên thị trường cũng ngày càng gắt gao hơn. Trái cây cũng không thoát khỏi quy luật chung. Muốn trở thành hàng hóa xuất khẩu có giá trị cao và khả năng cạnh tranh tốt, trước hết, nó phải được sản xuất theo quy chuẩn sạch và được công nhận. Song, vấn đề hiện nay là diện tích sản xuất theo hướng này vẫn còn rất ít, mang tính nhỏ lẻ, tự phát nhiều nơi. Việc làm theo của nhiều nhà vườn từ sự nhận thức đúng đắn về một hướng sản xuất đạt yêu cầu thị trường cũng chỉ mới gọi là bước đầu. Nhưng để thỏa thuận thành công một hợp đồng xuất khẩu thì trước hết phải đạt 2 yêu cầu: sản lượng và điều kiện sản phẩm sạch. Đây là hai yêu cầu khó mà nhiều nhà vườn Chợ Lách nói riêng và Bến Tre nói chung đều vướng phải. Vấn đề phải bàn là giải pháp?

Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng ở xã Hòa Nghĩa hiện có 13 thành viên, với tổng diện tích sản xuất trên dưới 10ha. Đại diện tổ hợp tác cho biết, tổ cũng đang trong bước đầu sản xuất theo quy trình sạch. Hầu hết các tổ viên đều nhận ra rằng lợi ích khi trở thành tổ viên là được tập huấn kỹ thuật, có cơ hội liên kết trong sản xuất và học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Đó là niềm vui cho hộ sản xuất nhưng băn khoăn là hiệu quả mô hình cũng chỉ mới dừng lại ở bước đầu sản xuất. Hỏi về việc tiêu thụ sản phẩm, đại diện tổ hợp tác cho biết: Chưa có đầu ra ổn định. Chưa có giải pháp về đầu ra cho sản phẩm, chưa có hợp đồng cung ứng, thu mua bền chắc nên các tổ viên vẫn chưa thật sự “mặn” trong việc liên kết tổ chức sản xuất theo quy hoạch và liên kết tiêu thụ. Và, như trước đây, họ vẫn tự “bơi”, tự phát để rồi lại rơi vào vòng lẩn quẩn: Được mùa, rớt giá. Sau mỗi mùa thu hoạch, kết quả ăn - thua của họ đều tùy thuộc vào quy luật cung - cầu. 

Bài học kinh nghiệm rút ra được trong quá trình tự vùng vẫy, trải nghiệm là cần sản xuất để bán theo nhu cầu thị trường chứ không sản xuất đại trà, ồ ạt và thuận theo tự nhiên. Vì thế, việc áp dụng kỹ thuật cho cây ra trái nghịch vụ, rải vụ được xem là giải pháp về giá hữu hiệu hàng đầu hiện nay của hầu hết mọi nhà vườn trồng cây ăn trái. Vì thời điểm trái chín không rơi vào đúng vụ thuận, sản phẩm dễ tiêu thụ, bán được giá cao. Đây cũng là nguyên nhân vì sao mà ngày nay, trên thị trường không phải đợi đến mùa mới có trái cây. Người tiêu dùng có thể tìm mua hầu hết các loại trái cây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, gay gắt vì sự sống còn đã bắt buộc người sản xuất phải từng lúc gò mình vào khuôn khổ, tuân theo quy luật tồn tại. Từ đây, cái mới, cái hay, ưu điểm cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Dù sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu, áp dụng các kỹ thuật mới trong sản xuất…, người dân vẫn phải “tự bơi” trong việc tìm cơ hội tiêu thụ hàng hóa. Đa phần nhà vườn phải tự phát trong việc sản xuất theo kiểu “Được ăn cả, ngã về không”. Các mô hình hợp tác kinh tế như tổ hợp tác, hợp tác xã cũng chỉ mới dừng lại ở khâu hỗ trợ sản xuất, học tập kinh nghiệm. Việc quan tâm tìm đầu ra để tiêu thụ tốt sản phẩm, từ đó tổ chức quy hoạch lại diện tích sản xuất, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu… cũng chỉ mới vận hành hiệu quả ở một vài mô hình. Tổ hợp tác chôm chôm Tiên Phú (Châu Thành) và Công ty TNHH Bưởi da xanh Hương Miền Tây là hai trong số những đơn vị tổ chức thu mua và xuất khẩu khá tốt. Nhưng tiếc rằng, hiện nay, số lượng những cơ sở này còn quá ít.

Trước các yêu cầu bức xúc đang đặt ra, cần có sự thống nhất, liên kết của các tổ chức hợp tác kinh tế. Các tổ chức đó phải cùng sản phẩm, cùng ngành nghề để thống nhất sản xuất theo quy trình sạch, theo diện tích quy hoạch. Tiếp theo là đảm bảo đáp ứng yêu cầu về sản lượng, thời gian cung ứng cho bên đặt hợp đồng thu mua xuất khẩu. Ngược lại, việc duy trì và phát triển tốt thị trường tiêu thụ sẽ làm cơ sở tạo thuận lợi cho việc nhân - mở rộng các mô hình tập thể về sản xuất và tiêu thụ hiệu quả hiện có trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, biện pháp sản xuất trái cây trái vụ hoặc rải vụ đã không còn mang tính độc quyền của Bến Tre và Việt Nam. Qua đánh giá của một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây trong tỉnh, năm nay, mặc dù trái cây Bến Tre đã phần nhiều rơi vào các thời điểm khác vụ mùa nhưng giá vẫn không cao hơn nhiều so với những năm trước. Sự cạnh tranh gay gắt với các nước bạn vẫn diễn ra vì hầu hết các quốc gia trồng cây ăn trái đều có thể sản xuất được quanh năm. Khó khăn hơn khi kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng chung, thị trường xuất khẩu thu hẹp. Vì thế, có lúc trái cây được sản xuất theo quy trình GlobalGAP, VietGAP vẫn phải chấp nhận bán với giá không cao hơn bao nhiêu hoặc thậm chí là bằng với giá trái cây được trồng bình thường. Tình huống này đã và đang đặt ra cho các nhà vườn tại Chợ Lách nói riêng và Bến Tre nói chung là cần phải bình tĩnh và không được chùn bước trước một hướng sản xuất đã xác định là đúng đắn. Lúc này, vai trò của các mô hình hợp tác kinh tế kiểu mới càng quan trọng hơn trong việc liên kết, phát triển để gia tăng sức mạnh, khả năng cạnh tranh.

Cùng với sự tự vận động, khả năng tự vực dậy để cứu lấy chính người sản xuất, các sở, ngành địa phương cần sớm vào cuộc, phát huy hết chức năng, thể hiện vai trò quan trọng của mình với quyết tâm cao. Có như vậy, sản phẩm nông nghiệp nói chung, trái cây nói riêng của địa phương mới đứng vững trong quá trình cạnh tranh và tiếp tục phát triển trên bước đường hội nhập.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN