Thầy vẫn không ngừng học

11/12/2009 - 09:46
Các nhân vật giao lưu của chương trình (từ trái sang, cầm hoa): thầy Nguyễn Thanh Phương, thầy Nguyễn Văn Quí và nhạc sĩ Hoài An. Ảnh: A.N

Có những người thầy, dù thành đạt nhưng vẫn không ngừng học hỏi, là tấm gương cho bao thế hệ học trò noi theo. Chương trình “Thắp sáng ước mơ” kỳ tháng 11-2009 do Tỉnh Đoàn phối hợp với VNPT và Đài PTTH Bến Tre tổ chức mang chủ đề “Vì đàn em thân yêu” đã giới thiệu những tấm gương như thế.

Phim trường lặng đi. Có lẽ vì mọi người khâm phục và bồi hồi xúc động khi nghe những lời tâm sự của thầy Nguyễn Thanh Phương (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT), người thầy đã vượt qua bao thử thách, gian lao trên con đường trau dồi kiến thức. Thầy sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Phú Hưng, TP Bến Tre, cha đi kháng chiến, mẹ ở nhà tần tảo nuôi con… Một tuổi thơ cơ cực đã nung nấu ý chí phấn đấu học tập của cậu học trò Nguyễn Thanh Phương. Thời ấy, người thất học rất nhiều, do chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Thầy Phương kể lại: “Chính tình yêu thương dành cho cha mẹ đã giúp tôi vượt qua những khó khăn ấy. Và để đạt được những kết quả như mong muốn, tôi phải tự mình cố gắng rất nhiều, hầu như không có đêm nào đi ngủ trước 2 giờ sáng. Tôi  phải tranh thủ học ở mọi lúc, mọi nơi. Tôi quyết tâm và tự nhủ với mình: nhất định thi phải đậu chứ không được rớt”. Thầy Phương thi đậu vào Trường Đại học Khoa học Sài Gòn (năm 1962), nhưng học được một năm thì thầy chuyển sang Đại học Văn khoa. Đến năm 1965, thầy thoát ly gia đình, tham gia cách mạng. Trong những năm kháng chiến, thầy Phương làm công tác bồi dưỡng văn hóa cho giáo viên kháng chiến và học sinh các lớp cuối cấp I, cấp II.
Đến nay, dù đã nghỉ hưu nhưng được sự tín nhiệm của nhiều người, thầy tiếp tục cống hiến sức mình cho sự nghiệp giáo dục với vai trò Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh. Năm 1998, thầy Nguyễn Thanh Phương được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Thầy cho biết, Hội Khuyến học tỉnh đang tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, góp phần vào việc xây dựng “một xã hội học tập”. Nghĩa là một xã hội mà mọi người, mọi giới đều tham gia học và học suốt đời.
“Muốn có học sinh giỏi, trước hết phải có thầy giỏi. Để có thầy giỏi thì người thầy cũng phải học tập. Chính vì thế, việc học tập là một trong những mục đích suốt cuộc đời của tôi”- đây là tâm niệm của thầy Nguyễn Văn Quí, giáo viên dạy toán của Trường THPT Chuyên Bến Tre. Với 47 tuổi đời, thầy Quí có 27 năm đứng trên bục giảng. Thầy Quí tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM từ năm 1982 và có 10 năm công tác tại Trường THPT Phan Văn Trị (Giồng Trôm). Trong thời gian dạy học ở đây, thầy thường xuyên được Sở GD-ĐT mời về dạy cho học sinh giỏi của tỉnh. Năm 1992, thầy Quí về công tác tại Trường Chuyên Bến Tre và tại đây, thầy đã có nhiều sáng kiến giúp học sinh và đồng nghiệp thuận lợi hơn trong học tập và giảng dạy.
Dù chưa qua trường lớp chính quy nào về tin học, nhưng thầy ứng dụng tin học vào công tác giảng dạy rất thành thạo. Những sáng kiến của thầy được Sở GD-ĐT xếp loại A như: kinh nghiệm ứng dụng hàm số liên tục giải bất phương trình, bất đẳng thức sắp thứ tự; tạo bài giảng vidéo giúp học sinh tự học ở nhà… Riêng sáng kiến “ứng dụng máy tính Casio trong công tác dạy học toán” và “giải quyết bài toán tiếp tuyến khi không dùng phương pháp nghiệm kép” đã đoạt giải B “sáng tạo khoa học” tỉnh Bến Tre. 4 sáng kiến về: ứng dụng máy tính Casio trong công tác dạy và học toán, tạo bài giảng video giúp học sinh tự học ở nhà, phương pháp tạo thư viện sách điện tử và các chuyên đề theo sát lớp 12 môn toán được Bộ GD-ĐT công nhận. Thầy là một trong những giáo viên của trường đã tham gia tích cực trong việc bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh để dự thi cấp quốc gia. Thầy Nguyễn Văn Quí là một trong những tấm gương rất cụ thể và thuyết phục về đức tính tự học, tự rèn và sáng tạo để các em học sinh noi theo.
Hình ảnh những người thầy tận tụy, tuổi học trò hồn nhiên dưới mái trường luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho giới văn, nghệ sĩ. Nhạc sĩ Hoài An là một trong số đó. Hoài An (tên thật là Võ Đại Hoài An) là hội viên Hội Nghệ sĩ Việt Nam, hội viên Hội Âm nhạc TP.HCM, là con trai của nhà giáo Võ Đại Mao, người viết nhiều sách về toán học. Anh tâm sự, cha là người đã có ảnh hưởng rất lớn đối với anh trong việc hình nhân cách, ông đã chỉ bảo anh hướng về lẽ sống chân, thiện, mỹ… Hoài An chơi đàn chuyên nghiệp từ năm 1994, đến năm 1998 anh chính thức đi theo con đường sáng tác. Cũng chính năm này, ca khúc “Tình thơ” ra đời, đây là một ca khúc được giới học trò yêu thích: “Hàng ghế đá xanh hàng cây góc sân trường, hành lang ấy xa dần xa bước chân người, bạn thân hỡi ta khắc khi trong lòng, những ước mơ hồng ngày tháng chờ mong”… Để có hơn 300 ca khúc ra đời và tìm được chỗ đứng trong lòng khán giả, ít ai hiểu được rằng anh đã phải nỗ lực rất nhiều: đi, tìm hiểu, cảm nhận cuộc sống, tìm tòi, học hỏi qua sách báo, qua những người đi trước. “Khung trời ngày xưa”, “Mưa buồn”, “Nếu phôi pha ngày mai”, “Lời mẹ ru”… mỗi khi được cất lên lại mang đến cho người nghe dạt dào bao cảm xúc, lắng đọng. Đặc biệt, ca khúc “Ngẩn ngơ câu hò” được sáng tác ngay trên đất Bến Tre, trong một chuyến Hoài An về tham gia chiến dịch Mùa hè xanh tại huyện Ba Tri, đã được khán giả đặc biệt yêu thích. Hiện nay, anh đang thử sức qua thể loại trường ca, như: “Truyền thuyết Cổ Loa thành”, “Trương Chi - Mỵ Nương”, “Tiếng trống Mê Linh”, “Hào khí Thăng Long”… Thời gian miệt mài rèn luyện đã giúp anh nhận được nhiều giải thưởng như: Giải Làn sóng xanh, VTV-Bài hát tôi yêu, Mai vàng, ngôi sao Bạch kim…
Có một câu triết lý “kiến thức là sa mạc mà sự hiểu biết của chúng ta chỉ là hạt cát”. Hiểu biết hết tất cả là một điều không tưởng, nhưng việc học để không ngừng làm giàu thêm kiến thức là một điều rất cần cho cả bản thân, gia đình và xã hội.

Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN